Vị trí vấn đề đoàn kết trong tư duy Hồ Chí Minh

Th.S. Nguyễn Nam Hưng - Bộ môn: Chủ nghía Mác-Lênin – Khoa KHCB&ƯD

A. Đặt vấn đề

Trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của Người về đoàn kết, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng: đoàn kết là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, chứ tuyệt nhiên không phải là tư tưởng của Hồ Chí Minh. Theo họ, công lao của Hồ Chí Minh chỉ dừng lại ở sự nhận thấy, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới, từ đó biến đoàn kết thành những khẩu hiệu nhằm tập hợp các lực lượng yêu nước tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung. Và như vậy, những nhà nghiên cứu này đã phủ nhận luôn những luận điểm, những nguyên tắc, những phương pháp đoàn kết của Hồ Chủ tịch. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu toàn bộ di cảo của Người một cách nghiêm túc, khách quan và khoa học, chúng ta thấy rằng đoàn kết là một tư tưởng lớn, một tư tưởng nổi bật - xuyên suốt - nhất quán của Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng, củng cố, tăng cường lực lượng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng loài người.

B. Nội dung

Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của mình, Hồ Chí Minh có tới trên 400 bài nói và viết về đoàn kết, với những luận điểm hết sức ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu. Trước hết, từ sự lần giở lại những trang sử hào hùng của dân tộc, như cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Nam Hán, rồi đến chiến thắng lừng lẫy của Ngô Quyên trên sông Bạch Đằng, của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn với ba lần đánh bại quân Nguyên Mông. . . Hồ Chí Minh cho rằng, tất cả những chiến thắng đó có được là nhờ vào việc ông cha ta đã biết nêu cao tinh thần đoàn kết chiến đấu. Ở đó mỗi người một nhiệm vụ, mỗi người một tấm lòng . . . coi nhau như anh em một nhà, đoàn kết, siết chặt tay nhau, sống chết bên nhau với lòng quyết tâm giết giặc giải phóng đất nước, để rồi cả dân tộc tham gia kháng chiến. Chính vì vậy, một dân tộc nhỏ bé như chúng ta, nhưng đã giành được nhiều thắng lợi to lớn trước những thế lực xâm lược rất “to”. Từ đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”[15, tr. 392]. Trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu, kẻ thù có hung bạo thế nào, nếu chúng ta biết nhận thấy và thực hiện đoàn kết một cách hợp lý thì nhất định sẽ giành được thắng lợi. Bởi thế, Người đã một lần nữa nhấn mạnh: “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”[19, tr. 22]. Cũng trên cơ sở khảo sát lại lịch sử dân tộc, Người viết: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[11, tr. 217]. Mặc dù nhận thấy, thắng lợi của các cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương lãnh thổ và xây dựng đất nước là kết quả của một quá trình kết hợp giữa rất nhiều nhân tố khác nhau và đoàn kết chỉ là một trong rất nhiều những nhân tố khác: tiềm lực quân sự, đường lối kháng chiến, phương pháp đấu tranh… Nhưng khi xác định mối tương quan giữa đoàn kết với các nhân tố khác, Hồ Chí Minh cho rằng: “Đoàn kết là điểm mẹ… điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt”[12, tr. 19-20]. Chính vì vậy, Người kêu gọi, chúng ta phải thường xuyên, liên tục: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”[10, tr. 350], nếu làm được điều đó thì nhất định chúng ta sẽ có được: “Thành công, thành công, đại thành công”[10, tr. 350].

Như vậy, từ sự khảo sát trên, chúng ta thấy rằng, trong những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh, cụm từ đoàn kết, đại đoàn kết, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc. . . được sử dụng một cách đều đặn. Điều đó nói lên sự quan tâm của Người đối với vấn đề đoàn kết, đồng thời tỏ rõ tầm chiến lược tư tưởng đoàn kết của Người. Mặc dù nói nhiều đến đoàn kết, cũng như đại đoàn kết, tuy nhiên chỉ một lần duy nhất, Người định nghĩa về khái niệm đại đoàn kết: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”[15, tr. 329]. Tuy cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng nội hàm của các khái niệm trên đều thống nhất khi khẳng định lực lượng của khối đại đoàn kết là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Trong bài viết Ba mươi năm hoạt động của Đảng, Hồ Chí Minh đã xác định rõ nội hàm của khái niệm đoàn kết dân tộc: “Đảng ta đã khéo tập hợp mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ trong Mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện đại đoàn kết dân tộc để đấu tranh chống đế quốc và phong kiến”[18, tr. 18].

Từ đó có thể thấy, đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự tập hợp, kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung nào đó. Và để thực hiện được đoàn kết, Người kêu gọi hãy xóa bỏ thành kiến, để cùng nhau phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân. Như vậy, mẫu số chung cho sự đoàn kết là lòng yêu nước, là sự khát khao cho một nền độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc và dân chủ cho tất cả mọi người.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là một công việc hết sức hệ trọng, to lớn và vô cùng khó khăn. Nhiệm vụ đó chỉ có thể thành công khi quy tụ được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc vì có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh, tạo nên lực lượng hùng hậu từ đó mới có thể đương đầu và chiến thắng kẻ thù. Thực tiễn cách mạng đã trả lời giữa đoàn kết và thành công có mối quan hệ chặt chẽ với nhau bởi phạm vi, mức độ, quy mô của thành công trước hết phụ thuộc vào chính quy mô và mức độ của khối đại đoàn kết. Là người lãnh đạo tối cao cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Từ đó, Người cho rằng “đoàn kết chính là sức mạnh” – sức mạnh này là điều thực sự cần thiết cho dân tộc ta – một dân tộc với trên 20 thế kỷ thành văn (tính đến thời điểm hiện tại) thì đã có tới 16 thế kỷ đánh giặc và 4 thế kỷ sẵn sàng đánh giặc ngoại xâm. Chính nhờ có tinh thần đoàn kết và biết sử dụng sức mạnh của tinh thần này một cách triệt để mà chúng ta đã hình thành được một sức mạnh khổng lồ và nó có thể cuốn trôi đi tất cả bè lũ bán nước và cướp nước. Trong lời “Kính cáo đồng bào” nhân dịp Cách mạng tháng Tám thành công, Người một lẫn nữa nhấn mạnh: “việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”[11, tr. 197]. Người khẳng định: thắng lợi nhất định sẽ về ta vì ta đoàn kết chặt chẽ, đồng tâm nhất trí, kiên quyết kháng chiến.

Chính vì ý thức rõ vai trò của đại đoàn kết dân tộc nên trong tư duy, Người xác định: xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu chiến lược, nguyên nhân cơ bản quyết định mọi thành công của cách mạng Việt Nam.

Nghiên cứu lịch sử ta thấy, các giai cấp, các tập đoàn xã hội khi muốn thực hiện một mục tiêu nào đó, nhất là đối với những mục tiêu lớn lao thì việc chỉ dựa vào công sức của chính bản thân giai cấp họ, tập đoàn họ là không thể. Chính vì thế họ luôn tìm cách kêu gọi, tập hợp lực lượng từ các cá nhân, tập đoàn, giai cấp khác trong xã hội. Quá trình đạt được mục đích của các tập đoàn phong kiến và giai cấp tư sản trong lịch sử cũng không nằm ngoài thông lệ trên. Sức mạnh của quần chúng nhân dân lao động nói chung, đặc biệt là của giai cấp nông dân nói riêng luôn là đối tượng và mục tiêu mà các tập đoàn phong kiến và tư sản muốn hướng đến và lợi dụng một cách triệt để. Và để có được sự phục vụ của những người lao động – lực lượng đông đảo trong xã hội thì cả các tập đoàn phong kiến lẫn tư sản đều đã sử dụng những chiêu bài, kế sách khác nhau. Nếu như ở các tập đoàn phong kiến là kế sách “an dân” thì giai cấp tư sản lại sử dụng chiêu bài giương cao ngọn cờ “Tự do, bình đẳng, bác ái” để tập hợp sức mạnh xã hội nhằm đạt được mục đích của riêng mình. Song, sau khi đạt được mục đích của mình, họ ngay lập tức quay lưng lại, phản bội lợi ích của những người đã từng liên minh với mình – những người lao động. Trong xã hội phong kiến, các tập đoàn phong kiến sau khi đạt được lợi ích của mình, họ sẵn sàng tiêu diệt cả những người đã từng chấp nhận xả thân để đưa mình đến thắng lợi. Vì thế, triết lý: “chim bị bắn thì cung tốt phải treo, thỏ bị bắt thì chó săn phải nướng” đã được người xưa hiểu một cách tường tận và thấu đáo. Cách hành xử của giai cấp tư sản với những người bạn của mình, những người liên minh với mình để đấu tranh xóa bỏ sự tồn tại và thống trị của chế độ phong kiến cũng không kém phần “bạc bẽo”. Trường hợp Đảng Lập hiến do Bùi Quang Chiêu đứng đầu là một trường hợp điển hình “cho cách hành xử” của giai cấp tư sản ở Việt Nam lúc bấy giờ. Cụ thể là, sau khi ra đời, trong quá trình tồn tại, giai cấp tư sản Việt Nam luôn bị tư bản nước ngoài chèn ép về mọi mặt. Chính sự chèn ép này đã tạo ra ít nhiều tinh thần cách mạng của giai cấp tư sản Việt Nam. Từ tinh thần này, họ đã đứng ra thành lập nên Đảng Lập hiến (1923) và tập hợp quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh. Nhờ có sự ủng hộ và giúp sức của đông đảo quần chúng nhân dân, nên tinh thần cũng như kết quả của các cuộc đấu tranh do Đảng Lập hiến phát động và lãnh đạo đều đạt được kết quả tương đối khả quan. Lo lắng trước sự lớn mạnh của các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng này, Thực dân Pháp ở Việt Nam đã có sự nhượng bộ một phần nào đó quyền lợi cho giai cấp tư sản bản địa. Khi lợi ích của mình được đảm bảo, Đảng Lập hiến đứng đầu là Bùi Quang Chiêu đã ngay lập tức quay lưng lại với quần chúng nhân dân, bỏ rơi phong trào của quần chúng ngoài đường phố. Từ đây, nhân dân ta không còn tin tưởng và đi theo con đường đấu tranh do giai cấp tư sản lãnh đạo. Như vậy, đoàn kết ở đây chỉ được xem như một thủ đoạn chính trị mà thôi.

Đến thời đại của mình, Hồ Chí Minh đã vượt lên hạn chế đó, trước hết là về mặt tư tưởng, Người khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”[15, tr. 438]. Điều ấy cho thấy, đoàn kết trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, không chỉ đơn giản là phương pháp tổ chức, tập hợp lực lượng, mà cao hơn là một bộ phận hữu cơ, một tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam nói riêng và cách mạng thế giới nói chung. Ở đó, đoàn kết dân tộc vừa là điều kiện tiên quyết, sống còn đối với sự nghiệp cách mạng, đồng thời là tôn chỉ, mục đích, là nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra và hướng tới của sự nghiệp cách mạng.

Đồng thời, với Hồ Chí Minh, đoàn kết không phải là một chủ trương, một chiến lược xuất phát từ nguyện vọng, từ ý muốn chủ quan của lực lượng lãnh đạo mà là sự đúc kết những đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng do quần chúng tiến hành. Nếu như xuất phát từ nhu cầu của lực lượng lãnh đạo cách mạng, đoàn kết dân tộc sẽ chỉ dừng lại là một thủ đoạn chính trị nhằm đạt được mục đích, một ý đồ nhất định. Ngược lại, nhìn nhận đoàn kết dân tộc như một nhu cầu tự thân, khách quan của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng cho chính bản thân mình thì đại đoàn kết là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, chuyển những đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức, thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Do đó, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Người yêu cầu các cán bộ và tổ chức cách mạng không được phép lơ là nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tính chiến lược của việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc còn yêu cầu chúng ta tập trung, chú trọng vào nó trong mọi bước đi, mọi giai đoạn phát triển của cách mạng, Người nói: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”[15, tr. 438].

C. Kết luận

Từ sự phân tích trên, chúng ta thấy rằng, đoàn kết hay đại đoàn kết trong tư duy của Hồ Chí Minh là một vấn đề hết sức quan trọng. Việc nhận thức và giải quyết vấn đề này đến đâu sẽ quyết định đến sự thành bại của cách mạng đến đó. Chính từ nhận thức đó, Hồ Chí Minh yêu cầu chúng ta phải có những hành động và bước đi cụ thể để tinh thần đoàn kết của chúng ta mãi trường tồn và dân tộc ta, đất nước ta luôn phát triển.

D. Danh mục tài liệu tham khảo

1. Bộ giáo dục và đào tạo (2009): Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000): Văn kiện Đảng Toàn tập , Tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8. Nguyễn Hùng Hậu (2008) Chủ biên: Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000) , Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

16. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 8, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

17. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 9, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

18. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 10, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

19. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

20. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

21. Hồ Chí Minh: Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận (8/1962)

22. Chuyện kể về Bác Hồ (2002), Tập 5, NXB Nghệ An.

23. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, Tuyển Tập (1993), Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội,.

24. Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh (1992), NXB Sự thật, Hà Nội.

25. Tư tưởng Hồ Chí Minh-Di sản văn hóa dân tộc (1995), NXB Quân đội.

26. Đinh Đức Lập: Tư tưởng đại đoàn kết – ngọn đuốc soi đường dân tộc, daidoanket. vn

27. Phùng Hữu Phú (1995) Chủ biên, Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh, NXB CTQG, Hà Nội. 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn