ThS. Nguyễn Nam Hưng
Bộ môn Chủ nghĩa Mác-Lênin - Khoa KHCB & UD
Sinh thời, Chủ tich Hồ Chí Minh đã từng nói: “nước ta là một nước nông nghiệp, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Luận điểm trên như là một sự thừa nhận và khẳng định về vị trí và vai trò của sản xuất nông nghiệp đối với sự tồn tại, phát triển của kinh tế nước nhà trong thời kỳ bấy giờ. Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nếu còn sống và chứng kiến những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được ở mục tiêu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc hẳn sẽ nói: nước ta là một nước công nghiệp, công nghiệp thịnh thì nước ta thịnh.
Thật vậy, như chúng ta đã biết, hiện nay thế và lực của Việt Nam chúng ta đã hoàn toàn khác. Trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, Việt Nam có cơ hội để phát triển mọi mặt trong đời sống xã hội nói chung và kinh tế nói riêng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nếu khơi dậy và phát huy hết mọi tiềm lực vốn có, chắc chắn chúng ta sẽ còn có những bước tiến dài hơn nữa trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ở đó, một trong những tiềm lực lớn lao đó chính là các cơ sở giáo dục Đại học như trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên – nơi đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa nền kinh tế nước nhà. Đến lượt mình, để có thể khai thác và phát huy tốt nội lực của mình, việc khơi dậy tài năng, trí tuệ và nhiệt huyết của thế hệ trẻ của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp sẽ có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong quá trình ấy, việc trở lại nghiên cứu, tìm hiểu về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễ Tất Thành sẽ cho chúng ta nhiều chỉ dẫn có giá trị.
1. Từ ý chỉ ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành
Thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Việt Nam vào năm 1858 và chính thức đặt ách thống trị lên đất nước ta vào năm 1884. Trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn tự đánh mất vai trò lãnh đạo của minh và phản bội lại quyền lợi của dân tộc, rất nhiều phong trào yêu nước chống Pháp theo các khuynh hướng khác nhau đã nổ ra ở khắp ba miền đất nước. Điển hình là các phong trào theo hệ tư tưởng phong kiến như phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi lãnh đạo và phong trào của nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo… Các phong trào đó đã gây được tiếng vang lớn, nhưng cuối cùng vẫn thất bại do sự lỗi thời của hệ tư tưởng phong kiến trước thời cuộc.
Các phong trào theo khuynh hướng dẫn chủ tư sản sau đó cũng diễn ra sôi nổi, tiêu biểu là phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo và phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh lãnh đạo đã ít nhiều đạt được những thành tựu nhất định, nhưng cũng lần lượt bị dập tắt trước sức mạnh của kẻ thù. Những thất bại này cho thấy sự bất lực của hệ tư tưởng dân chủ tư sản trong giải quyết những yêu cầu của lịch sử dân tộc lúc bấy giờ.
Trước thực tiễn đó, Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức rất quan trọng: cái mà chúng ta còn thiếu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, không phải là lực lượng, là lòng yêu nước và tinh thần quyết tâm, mà chính là một đường lối cứu nước đúng đắn. Và rồi, với lòng yêu nước mãnh liệt và một cách suy nghĩ táo bạo, một tri tuệ hết sức minh mẫn, quyết khám phá bằng được con đường đi đến giải phóng cho đồng bảo. Đồng thời, vượt lên trên tầm của thời đại và các bậc sĩ phu yêu nước đương thời, và xuất phát từ khát khao giải phóng dân tộc từ con tim, khối óc của một người dân mất nước, nô lệ làm than, Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước với quyết tâm cháy bỏng: “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu”[1]. Từ đây đã tất yếu dẫn đến sự kiện lịch sử quan trọng mang tính bước ngoặt không chỉ đối với cá nhân chàng trai Nguyễn Tất Thành mà là đối với cả dân tộc Việt Nam. Đó chính là sự kiện ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, Người đã chính thức ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Latouche Tréville.
Thời gian đầu bôn ba tìm đường cứu nước (những năm 1919-1920), Hồ Chí Minh còn lúng túng trước các cuộc bàn cãi sôi nổi, Người tâm sự: “Tôi biết rất ít về các vấn đề chính trị... Tôi chưa biết đảng là gì, công đoàn là gì, càng không rõ chủ nghĩa xã hội khác với chủ nghĩa cộng sản chỗ nào... Tôi biết rất ít về cách mạng Tháng Mười và về Lênin, về cảm tính tôi thấy mình có mối tình đoàn kết với cuộc cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy, nhưng tôi chưa hề đọc tác phẩm nào của Lênin”[2]. Đầu năm 1919, Người vào Đảng Xã hội Pháp với một lý do cũng rất đơn giản “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bệnh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI”[3].
Trước sau như một, Nguyễn Tất Thành vẫn trên một trục tư duy muốn giải phóng được các dân tộc thuộc địa thì trước hết, bản thân họ phải muốn được giải phóng. Vì vậy, khi nhận được trả lời “Quốc tế thứ ba đoàn kết với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức” và đọc được Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã bỏ phiếu cho Đệ tam Quốc tế, tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin. Với sự nhạy bén chính trị Nguyễn Tất Thành từ chỗ tham gia vào Đảng xã hội Pháp đã đi tới quyết định chọn con đường cách mạng mà Lênin khai phá “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[4], đó là giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã đi rất nhiều, đọc nhiều và hiểu nhiểu. Mặc dù đã tiếp cận với nhiều học thuyết lý luận khác nhau, nhưng với nhãn quan của mình, Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[5]. Rút ra được kết luận đó lúc bấy giờ không hoàn toàn đơn giản, đó là sự kết tinh của lòng yêu nước và tư chất khoa học, trí tuệ và bản lĩnh, tầm nhìn và cách nhìn, nhưng trên hết, trước hết là hoài bão cứu nước, cứu dân, xác định mục đích giúp đồng bảo thoát khỏi gông cùm nô lệ.
Người viết: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo quốc tế thứ ba”[6]. Đó là con đường dẫn Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm được con đường cứu nước đúng đắn, khoa học, cách mạng, vừa đáp ứng nhu cầu lịch sử dân tộc, hợp lòng dân, vừa phù hợp xu thế của thời đại mới được mở ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.
Như vậy, đến cuối năm 1920, sau khi trải qua bao gian lao thử thách trong quá trình tìm tòi, khảo nghiệm và nghiên cứu một cách miệt mài, khoa học, Nguyễn Tất Thành đã tìm được con đường giải phóng đúng đắn cho dân tộc ta - con đường cách mạng vô sản. Đến đây, Người nói: đối với tôi, mọi thứ đã rõ ràng, nhiệm vụ của tôi bây giờ là quay trở về nước, để tập hợp quần chúng, giác ngộ quần chúng và lãnh đạo quần chúng làm cách mạng.
Và rồi, với tài năng, uy tín và vai trò của minh, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930. Từ đây, dân tộc ta được đấu tranh vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - “nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”[7].
Như vậy, có thể khái quát hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành ở mấy ý nghĩa cơ bản sau:
Thứ nhất: thể hiện ý chí, nghị lực, quyết tâm dám nghĩ, dám làm của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành, đây là điều mà không phải ai cũng có thể làm được, nhất là trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Thứ hai: thể hiện tư duy độc lập, tự chủ của Nguyễn Tất Thành. Điều này đã được thể hiện rất rõ ở lựa chọn con đường đi sang Phương Tây để tìm đường cứu nước, chứ nhất quyết không theo sự định hướng của các vị tiền bối đương thời. Hơn nữa, khi sang Pháp, mặc dù tiếp cận với nhiều chủ thuyết và tổ chức cách mạng khác nhau nhưng cuối cùng người lại lựa chọn chủ nghiac Mác-Lênin và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp…
Thứ ba: thể hình tình yêu nước thương dân bằng hành động và những việc làm cụ thể, chứ không chỉ đơn thuần dừng lại và ấp ủ trong khối óc, con tim.
Thứ tư: đặt nền móng cho những mối quan hệ quốc tế chân thành, trong sáng giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Để rồi có một điều khó tin nhưng có thật đó là: trong cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp thì cách mạng Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của chính những người dân Pháp…
Thứ năm: giữ trọn lời thề thủy chung ra đi là để trở về, với tinh thần: ra đi là để hiểu đời, trở về là để cứu mình, giúp người. Cụ thể, từ tuổi 13, Nguyễn Tất Thành đã khát vọng “muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp”, “muốn làm quen với nền văn minh Pháp”, nhưng không chỉ để thỏa mãn ước mơ hiểu biết của tuổi trẻ, mà là “muốn tìm xem ẩn giấu đằng sau” những gì đã làm nên văn minh và sức mạnh của phương Tây; muốn “xem cho rõ” sự “làm ăn ra sao” của những cường quốc mà các nhà yêu nước Việt Nam đương thời kì vọng có thể giúp đất nước mình thoát khỏi ách thống trị thực dân; và, “sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
1. Nghĩ về thế hệ trẻ trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp hiện nay
“Thế hệ trẻ” là một cụm từ chưa thật sự tường minh, căn cứ vào những góc độ và cách tiếp cận khác nhau, nội hàm của khái niệm sẽ có nhiều khác biệt, từ đó làm cho đối tượng được nhác đến cũng có sự khác nhau. Ở bài viết này, tác giả tạm thời xác định “thế hệ trẻ”, đặc biệt là thế hệ trẻ của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp gồm ba đối tượng chính: Đội ngũ lãnh đạo trẻ, đội ngũ cán bộ trẻ và toàn thể sinh viên của Nhà trường. Ba đối tượng này, do năng lực trình độ khác nhau, tâm tư tình cảm khác nhau và cương vị, nhiệm vụ khác nhau nên việc lĩnh hội, thấm nhuần và học tập tinh thần, tư tưởng, đạo đức của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tất yếu cũng có nhiều khác biệt. Cụ thể:
1.1. Đối với đội ngũ lãnh đạo trẻ
Trẻ hóa cán bộ lãnh đạo là chủ trương đúng đắn của Đảng và đạt được những thành quả to lớn. Trong thời gian vừa qua, tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã có sự chuyển giao thành công thế hệ lãnh đạo từ 6x sang 7x. Từ Đảng ủy, Hội đồng Trường cho đến Ban giám Hiệu thì phần lớn đều thuộc thế hệ 7x, đặc biệt ở đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của tất cả các đơn vị từ Đào tạo đến Phòng ban chức năng đều nằm trong độ tuổi 7x, thậm chí có cả 8x. Với đội ngũ lãnh đạo trẻ đầy nhiệt huyết, đang đến độ chín, chúng ta hoàn toàn kỳ vọng vào một giai đoạn phát triển mới về chất của Nhà trường.
Từ tấm gương về ý chí ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành, thiết nghĩ tập thể lãnh đạo Nhà trường sẽ có cái nhìn thẳng thắn, khách quan và khoa học về thực trạng của Nhà trường, để từ đó có những giải pháp và bước đi phù hợp, nhằm phát huy những điểm mạnh và dần khắc phục được những hạn chế khuyết điểm. Trong thời gian qua, Hội đồng trường đang triển khai đồng bộ rất nhiều đề án mang tính giải pháp, nhằm tạo ra sự đột phá. Trong đó đáng chú ý là Quy chế Tài chính của Nhà trường nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho chủ trương tự chủ đại học của Bộ giáo dục và Đào tạo. Quy chế này, theo như những chia sẻ của đồng chí Ngô Như Khoa – Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Trường tại một số diễn đàn là sẽ kỳ vọng tạo ra một tinh thần thái độ và nhiệt huyết công tác đối với toàn bộ đội ngũ cán bộ trong trường. Với triết lý: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít sẽ trở thành động lực để chúng ta làm việc, công hiến nhiệt tinh, trách nhiệm và hiệu quả hơn.
1.2. Đội ngũ cán bộ trẻ
Đây là một bộ phận chiếm phần đa trong đội ngũ cán bộ giảng dạy và phong ban của Nhà trường. Việc nhận thực, khơi dậy và phát huy vai trò và năng lực của bộ phận này sẽ có giá trị rất lớn đối với quá trình phát triển của Nhà trường ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Bản thân tác giả với tư cách là một cán bộ trẻ, khi nghiên cứu tìm hiểu về ý chí ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành cũng như quan sát quá trình công tác của các đồng nghiệp cùng trang lứa tại trường, xin được mạnh dạn rút ra một số bài học sau:
Thứ nhất: cần thấm nhuần và học hỏi tinh thần: ra đi là để trở về ở Nguyễn Ái Quốc. Đặc biệt là trước thực trạng nhiều cán bộ giảng viên trẻ, sau khi đã được Nhà trường xem xét tạo điều kiện cho đi nước ngoài học tập nâng cao trình độ thì không lựa chọn quay trở về trường để công tác và cống hiến.
Thứ hai: mạnh dạn bày tỏ ý kiến cá nhân trên tinh thần xây dựng nhằm đóng góp vào quá trình phát triển của Nhà trường.
1.3. Tập thể sinh viên Nhà trường
Đây là lực lượng đông đảo của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, việc khơi dậy và phát huy sức trẻ của lực lượng này, không chỉ có ý nghãi đối với sự phát triển của Nhà trường mà còn đối với toàn xã hội.
Thế hệ trẻ hôm nay được sống, học tập, làm việc và cống hiến trong thời kỳ hòa bình và phát triển, có cơ hội giao lưu học hỏi, được hội nhập văn hóa với khu vực và phát triển, chúng ta có lịch sử dân tộc làm điểm tựa, có văn hóa dân tộc làm nền tảng, có những tấm gương thanh niên như Trần Quốc Toàn, Lý Tự Trọng Võ Thị Sáu, Phan Đình Giót, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi... để soi minh.
Để xứng đáng với biết bao thế hệ đàn anh đi trước, chúng ta không thể không trang bị cho lực lượng này một kiến thức sâu rộng về chuyên môn nghiệp vụ, về những trải nghiệm cuộc sống và những kỹ năng sống cần thiết, để các em tự tin hơn trong suy nghĩ, lời nói và việc làm, để hành động và sáng tạo hơn với những ý tưởng mới mẻ, những hoài bão lớn lao. Điều quan trọng nữa mà mỗi bạn trẻ cần phải có đỏ là bản lĩnh, nghị lực, ý chí, tính quyết đoán để có những đột phá, tạo dấu ấn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mang lại những thành công mới; khẳng định được bản thân mình trong tập thể và xã hội, để được sống và cống hiến cho Tổ quốc.
3. Thay cho lời kết
Ngày nay, đất nước dạng đổi mới mạnh mẽ, thể hiện trước hết và nhiều nhất qua quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bản chất của toàn cầu hóa luôn mang tính hai mặt. Bên cạnh các tác động tích cực, toàn cầu hóa cũng mang lại sự “mập mờ” cho các quốc gia dân tộc trong xác định đối tượng và đối tác, đối đầu hay đối thoại, tiến bộ hay phản động. Quá trình liên kết hóa quan hệ quốc tế khiến cho ranh giới giữa hai cực này vốn đã mỏng lại còn mong manh hơn. Riêng Việt Nam còn phải đối đầu với các thế lực thù địch với những biến thể hết sức phức tạp và ngày càng nguy hiểm của chính sách chống phá. Sự hấp dẫn của đồng tiền thời mở cửa không khó để tha hóa thanh niên vốn năng động trong tiếp thu văn hóa thế giới, nhưng chưa đủ chín chắn trong nhận thức. Chúng ta không quên tuyên bố của Hitle rằng muốn xâm lược một đất nước, trước hết hãy nhuộm đen thế hệ trẻ. Kẻ thù cũng luôn nhớ điều đó khi mà chúng đưa vào chiến lược “diễn biển hòa bình”, với chiêu bài “phi chính trị hóa” thanh niên. Hơn lúc nào hết, Đảng cần quán triệt sâu rộng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kẻ thù của cách mạng, soi đường cho chính sách và hành động của cả dân tộc.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trí Quốc gia, H, 2011
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2016.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 1.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 2.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 3
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 4.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 5.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 6.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 7.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 8.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 9.
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 10.
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 11.
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 12.
15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 13.
16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 14.
17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 15.
18. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1.
[1] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr.112.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 15, tr.583.
[3] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr.61.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 11, tr.562.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 2, tr. 289.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 12. Tr. 563.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Van kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trí Quốc gia, H, 2011, tr.10.