Th.S Phạm Thị Cẩm Ly
Bộ môn LSĐ- TTHCM, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp
Tóm tắt: Hơn nửa thế kỷ hoạt động lý luận và thực tiễn, Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta di sản vô giá đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Di sản đó mãi mãi soi sáng cho nhân dân ta phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nướcc mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá Người để lại cho dân tộc và nhân loại. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là những giá trị mang đậm dấu ấn của Người, đồng thời, là cơ sở để xây dựng, giáo dục, rèn luyện cho cán bộ, đảng viên. Học tập và là theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh có ý nghĩa lớn với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
Từ khóa: Xây dựng; phong cách làm việc; cán bộ; đảng viên; Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời cho độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc, ấm no của nhân dân Việt Nam và có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại. Hơn nửa thế kỷ hoạt động lý luận và thực tiễn, Người để lại di sản vô giá, mãi mãi soi sáng cho chúng ta phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đó là tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Người là hiện thân đầy đủ, cao đẹp nhất về đạo đức cách mạng, cuộc đời, phong cách sống, lao động, học tập, tâm hồn, trí tuệ và nghị lực, tiêu biểu cho tinh hoa, khí phách dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu đầy đủ, toàn diện cũng như đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn rất cần thiết trong mọi giai đoạn cách mạng, nhất là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những bài học quý báu đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là khi toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4-NQ/TW khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng đảng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sinh thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Phong cách hiểu một cách chung nhất là cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của một người hay một lớp người nào đó. Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá Người để lại cho dân tộc và nhân loại. Phong cách đó xuất phát từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Người, là sự kết tinh của truyền thống văn hoá dân tộc với tinh hoa văn hoá của nhân loại, vừa dân tộc vừa quốc tế, vừa rất mực nhân từ vừa triệt để cách mạng, rất uyên bác mà lại cực kỳ khiêm tốn, rất nguyên tắc về chiến lược lại rất linh hoạt trong sách lược, vừa nhìn xa trông rộng lại vừa thiết thực cụ thể, vừa vĩ đại lại vô cùng bình dị. Phong cách làm việc là nội dung tiêu biểu trong phong cách Hồ Chí Minh bao gồm phong cách lãnh đạo và phong cách làm việc khoa học, đổi mới.
Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh tập trung nổi bật ở phong cách quần chúng, dân chủ và nêu gương.
Thứ nhất, phong cách quần chúng
Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có lòng tin vô tận đối với quần chúng. Người luôn luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh thể hiện bằng phong cách sâu sát quần chúng, vì lợi ích của quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về phong cách gần dân. Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội,... từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Đồng thời, Hồ Chí Minh nêu cao tấm gương về lòng yêu mến và tin tưởng rất mực vào khả năng và sức mạnh của nhân dân. Người từng nói: “Nước lấy dân làm gốc” [3], “Gốc có vững cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” [4]. Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân. Người nói: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng” [5].
Thứ hai, phong cách dân chủ
Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ Người luôn đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, nhận trách nhiệm cá nhân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Hồ Chí Minh không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, mà luôn tranh thủ sự bàn bạc với tập thể Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội, khi cần thiết, triệu tập cả Hội nghị chính trị đặc biệt để xin ý kiến các đại biểu quốc dân. Người luôn lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Người thường xuyên đi xuống cơ sở, để lắng nghe ý kiến của cấp dƣới và của quần chúng, chứ không phải để huấn thị. Người yêu cầu: “Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình” [6], “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” [7]. Bản thân Người là tấm gương mẫu mực về thực hành dân chủ.
Hồ Chí Minh tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước, nhưng Hồ Chí Minh thường xuyên có phong cách làm việc tập thể và dân chủ. Người giải thích: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung” [8].
Thứ ba, phong cách nêu gương
Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phong cách nêu gương. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nêu gương là phải làm gương cho mọi người, làm gương trong mọi công việc từ việc nhỏ đến việc lớn, thể hiện thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, gương mẫu về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm.
Theo Hồ Chí Minh, nêu gương trước hết phải quán triệt trong tất cả mọi đối tượng, mọi lĩnh vực: từ Đảng, Nhà nước, các đoàn thể với nhà trường, gia đình và xã hội. Bởi lẽ, thực hành vấn đề này có liên quan đến sự thành bại của cách mạng, đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang cần phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng để thu hút, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia.
Hồ Chí Minh luôn thực hiện tốt “nói đi đối với làm”. “Nói đi đôi với làm” là một phương châm, nguyên tắc chỉ đạo hoạt động, được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những tiêu chí quan trọng khi thực hành phương pháp “nêu gương”; đồng thời, là biểu hiện cụ thể, sinh động về bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng ta, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đứng vững và vượt qua trước mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đƣợc giao. Ở Hồ Chí Minh đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân với đạo đức đời thường.
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh thường xuyên nêu gương “người tốt, việc tốt”. Người rất chú trọng giáo dục đạo đức thông qua các tấm gương lớn trong lịch sử dân tộc, trong lịch sử cách mạng và trong hiện thực đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Người trân trọng nêu lên những tấm gương anh hùng giải phóng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn, tự lập, quật cường của dân tộc Việt Nam cho đồng bào và chiến sĩ. Người nêu cao các tấm gương chói lọi về đạo đức cách mạng chí công vô tư của các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác là những người đã vì dân, vì nước mà hy sinh để cán bộ đảng viên và nhân dân học tập.
Phong cách làm việc khoa học và đổi mới của Hồ Chí Minh thể hiện ở cách làm việc có chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ nào việc nấy; không hề né tránh những sự việc tiêu cực, thường được đội danh là “nhạy cảm”, càng không cho phép lợi dụng hai chữ “nhạy cảm” để che chắn sai lầm, bưng bít sự thật, bênh che cho nhau. Người luôn nêu cao tấm gương trung thực, thẳng thắn, thực sự cầu thị, sẵn sàng nhận lỗi trước nhân dân khi mình làm sai.
Hồ Chí Minh không bằng lòng với thói quen chậm chạp, tùy tiện, không đúng giờ của nhiều cán bộ, coi đó là thái độ không tôn trọng thời giờ của những người khác. Tháng 11-1945, đến dự lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp : “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Cách tôi làm việc đúng giờ. Tôi khuyên anh em làm việc phải cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm” [2]. Ngƣời phê bình một vị tướng đến chậm để mọi người phải đợi, coi 10 phút đến chậm ấy phải “nhân lên với 500 người đợi chú ở đây”,… Đó là một phong cách không cố chấp, bảo thủ, luôn đổi mới, “phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”; luôn luôn đổi mới, không chấp nhận tư duy “lối mòn”, kinh nghiệm chủ nghĩa, mà phải luôn cải tiến để ngày càng tốt hơn.
Cán bộ, đảng viên có vai trò rất quan trọng đối với công việc, đối với sự phát triển của đất nước. Hồ Chí Minh đã khẳng định cán bộ là gốc của mọi công việc, “Muôn việc thành công hoặc thất bại là do cán bộ tốt hoặc kém” [9]. Tuy nhiên, cùng với những quan điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hiện nay “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên … và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi” [1]. Vì vậy, việc đẩy mạnh học tập tu tuởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên là rất quan trọng và cấp thiết.
Phong cách làm việc Hồ Chí Minh với những đặc trưng nổi bật là cơ sở để cho mỗi cán bộ, đảng viên học tập và làm theo, đồng thời là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị xây dựng phong cách làm việc cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để xây dựng phong cách làm việc cho cán bộ, đảng viên thì trách nhiệm thuộc về cơ quan, tổ chức, đoàn thể và chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên.
Cơ quan, tổ chức thường xuyên tổ chức quán triệt nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, đảng viên. Lồng ghép những nội dung đó trong các buổi sinh hoạt thường kì của đơn vị. Từ đó, mỗi cơ quan, tổ chức đề ra những yêu cầu cụ thể trong việc rèn luyện của cán bộ, đảng viên gắn với học tập phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng kí việc học tập phong cách làm việc Hồ Chí Minh theo từng năm, từng quí, từng tháng. Từ đó, xây dựng nên những tiêu chí đánh giá việc thực hiện và tổng kết, rút kinh nghiệm.
Trong công tác lãnh đạo, quản lý của những ngƣời đứng đầu cơ quan, tổ chức cần đề cao tính đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở mọi điều kiện, hoàn cảnh của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, phải lấy tấm gương về phương pháp, tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm theo, vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn và công việc được giao, luôn luôn gắn lý luận và thực tiễn.
Đồng thời, mỗi cơ quan, tổ chức cần phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết, kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên. Xây dựng và phát huy tốt dân chủ, đoàn kết và kỷ luật là biểu hiện của phương pháp, tác phong làm việc dân chủ của người cán bộ, đảng viên. Trong quá trình phát huy dân chủ, cơ quan, tổ chức cần phải tuyệt đối chấp hành đúng các nguyên tắc của tổ chức, có kỷ cương, kỷ luật. Kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện lợi dụng dân chủ dẫn đến dân chủ vô hạn độ, dân chủ quá trớn, kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ, hoặc sơ hở mất cảnh giác để cho các phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của đối với việc xây dựng, thực hiện phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Thông qua kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên từng cán bộ, đảng viên ở nơi công tác, nơi cư trú, có ý kiến đánh giá, uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong phong cách công tác, có tác dụng rất tích cực trong đổi mới phong cách công tác của cán bộ, đảng viên.
Để xây dựng và rèn luyện phong cách làm việc theo tấm gương Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những nội dung sau:
Luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, giữ gìn đoàn kết nội bộ. Gắn bó mật thiết với nhân dân là một nguyên tắc trong xây dựng Đảng, đồng thời thể hiện phong cách quần chúng của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên cần gần gũi, đi sâu, đi sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ gắn bó với nhân dân là cơ sở để nhân dân thêm tin tưởng vào đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, để cơ quan, tổ chức, đoàn thể luôn phát triển, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần giữ gìn đoàn kết nội bộ. Đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh đề hoàn thành mục tiêu đề ra.
Luôn phát huy dân chủ. Phát huy dân chủ là cơ hội tốt để mỗi cán bộ, đảng viên học hỏi lẫn nhau về phương pháp, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao năng lực của bản thân. Để phát huy dân chủ, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, luôn luôn đặt mình trong tập thể, vì lợi ích của tập thể, tôn trọng ý kiến tập thể và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cơ quan, tổ chức giao cho.
Rèn luyện phong cách làm việc khoa học. Để có được phong cách làm việc khoa học, cán bộ, đảng viên cần có tư duy khoa học. Người cán bộ, đảng viên có phong cách tư duy khoa học sẽ luôn phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ và hoàn thành mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công. Đồng thời, cán bộ, đảng viên rèn luyện phương pháp làm việc khoa học. Khi người cán bộ, đảng viên có tri thức khoa học và kỹ thuật, có trình độ lý luận cách mạng, có năng lực công tác và luôn tâm huyết với nghề nghiệp, đồng thời, có phương pháp làm việc khoa học thì sẽ khắc phục được những hạn chế như: xa rời thực tiễn, độc đoán chuyên quyền, quan liêu, ... và hoàn thành tốt công việc được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện trong mọi điều kiện, hoàn cảnh công tác để không ngừng hoàn thiện phương pháp làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Luôn luôn nêu gương trong công tác. Theo Hồ Chí Minh, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Từ thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã nêu một tấm gương sáng về sự nhất quán giữa lời nói và việc làm trong tu dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả với mục đích cao cả vì nƣớc, vì dân. Vì vậy, nêu gƣơng là một yêu cầu thiết yếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những ngƣời đứng đầu các tổ chức chính trị, kinh tế, đoàn thể. Để nêu gương có hiệu quả, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt “nói đi đôi với làm”, “tự phê bình và phê bình”, đồng thời nêu cao tinh thần tự giáo dục, tự rèn luyện bản thân. Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức cần nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm tốt trong mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Tích cực sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, những lực lượng tuyên truyền viên để góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực cho xã hội.
Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất từ tư duy đến hành động. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh có ý nghĩa lớn đối với quá trình xây dựng phong cách cho cán bộ, đảng viên hiện nay. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm nghiêm túc học tập, gắn với làm theo tƣ tƣởng, đạo đức và phong cách của Ngƣời để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá X (2009), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.171.
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.115.
3,4,5,8,9. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.501, 502, 286, 620, 280.
6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.544.
7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.325