NÊU GƯƠNG - MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC HIỆU QUẢ TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Phạm Thị Cẩm Ly
Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá trong kho tàng lịch sử tư tưởng Việt Nam. Đó là tư tưởng của người “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người thày vĩ đại, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc và cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng nền giáo dục mới Việt Nam, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa "hồng" vừa "chuyên", có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khoẻ, thẩm mỹ... để “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là thành quả của sự chắt lọc tinh tế tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hoá, giáo dục và tinh thần nhân ái Việt Nam, kết hợp với triết lý giáo dục phương Đông và những tư tưởng tiến bộ thời kỳ cận đại. Nhưng tiền đề quan trọng nhất, cái tạo nên sự phát triển về chất trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên cơ sở đó và cùng với quá trình hoạt động thực tiễn cách mạng sinh động, phong phú của mình, Hồ Chí Minh đã đưa ra một hệ thống quan điểm về giáo dục hết sức sâu sắc và mới mẻ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một nội dung trong phương pháp giáo dục của Hồ Chí Minh. Đó là phương pháp nêu gương.
1. Vị trí, vai trò của phương pháp giáo dục bằng cách nêu gương.
Giáo dục bằng cách nêu gương là một trong những phương pháp đã được biết đến từ lâu trong lịch sử như là một yêu cầu của vấn đề giáo dục nói chung. Người xưa quan niệm “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo” (nghĩa là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói). Nho giáo coi “tu thân” và “gương mẫu” là yêu cầu đạo đức hàng đầu đối với việc giáo dục con người và quản lý xã hội. Tuy nhiên, các quan niệm trên chỉ đặt trọng tâm nêu gương vào những người ở tầng lớp trên, các bậc “quân tử” và những người quản lý xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu chọn lọc và phát triển phương pháp giáo dục trong lịch sử thành một nội dung mới toàn diện hơn, sâu sắc hơn, mang tính cách mạng hơn. Hồ Chí Minh quan niệm: trong giáo dục, cần có phương pháp phù hợp với điều kiện giáo dục và đối tượng giáo dục. Giáo dục phải căn cứ vào “trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng”.(1) Từ đó có phương pháp giáo dục sao cho bảo đảm được sự phù hợp với đối tượng giáo dục. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc kết hợp các phương pháp, hình thức giáo dục, không tuyệt đối hoá bất cứ một hình thức giáo dục nào. Trong đó phương pháp nêu gương, đề cao ưu điểm nhằm làm cho người được giáo dục thấy rõ mặt mạnh, mặt tốt của bản thân, nhờ đó cố gắng “làm cho phần tốt trong mỗi con người nãy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi”. Phương pháp nêu gương cũng là phương pháp hữu hiệu trong việc thống nhất giữa lời nói và việc làm.
Theo Hồ Chí Minh “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”, vì thế phương pháp nêu gương sẽ tạo môi trường giáo dục rộng lớn để mọi người thực hiện phương châm giáo dục và tự giáo dục của mình, làm cho tất cả mọi người vừa là chủ thể vừa là đối tượng của giáo dục, mỗi người có thể và cần phải là một tấm gương cho người khác học theo. Nêu gương không chỉ là một phương pháp mà còn là một nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh. Nêu gương ở Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại trong tư tưởng, quan điểm mà được thể hiện qua chính cuộc đời và sự nghiệp của Người. Trong lời nói, việc làm, trong sinh hoạt đời thường, Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
2. Nội dung phương pháp giáo dục nêu gương.
- Đối với cán bộ, đảng viên
Nêu gương trước hết là một yêu cầu cần thiết đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên .Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng; việc nêu gương đạo đức của cán bộ, đảng viên là một việc làm quan trọng có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính” (2). Ngược lại, sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, đặc biệt là sự thoái hóa, biến chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi đạo đức, lối sống ý thức kỷ luật, pháp luật của quần chúng nhân dân. Hồ Chí minh nói “Lấy gương tốt, việc tốt hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (3). Để có được những tấm gương sáng cho quần chúng học tập và noi theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra những yêu cầu cao nhưng lại rất sát thực đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, tự mình gương mẫu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; có như vậy mới tăng được tính thuyết phục trong tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng xây dựng đạo đức mới. Người dạy: "Mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hoá” (4) Từ thực tiễn hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, Người cũng đã nêu một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, trong đó, điều nổi bật và dễ nhận thấy nhất là sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức.
Theo Hồ Chí Minh cán bộ, đảng viên phải có ý thức phấn đấu, rèn luyện để tự mình trở thành tấm gương điển hình trong thực tiễn công tác, trong học tập, trong đạo đức, lối sống, trong hoạt động phong trào cách mạng nói chung, để tuyên truyền giáo dục cho tất cả mọi người, cho toàn thể xã hội, để mọi người có dịp học hỏi kinh nghiệm, tự soi xét mình và từ đó có dịp sửa chữa những khuyết điểm, tồn tại của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý bao giờ cũng là đối tượng tập trung chú ý của quần chúng nhân dân, nên mỗi lời nói, mỗi việc làm tốt của họ sẽ mang ý nghĩa giáo dục hết sức to lớn. Hồ Chí Minh chỉ rõ: đối với quần chúng nhân dân “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(5). Do vậy, Người thường xuyên khuyên mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tấm gương để quần chúng nhân dân học tập. Người nói: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Hô hào tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã” (6). “Đảng viên đi trước” để cho “làng nước theo sau”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh giáo dục mọi người và chính bản thân Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc và gương mẫu hơn ai hết. Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ đầu tiên 3/9/1945, Bác đưa ra sáu vấn đề cấp bách, một trong sáu vấn đề cấp bách là chống “giặc đói”. Bác đề nghị phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để cứu đói, trong khi chưa tăng gia sản xuất được để cứu đói, Bác đề xuất phương án mở cuộc lạc quyên, lập “Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm” để góp gạo cứu đói. Bác đề nghị với đồng bào cả nước “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa (mỗi bữa một bơ) đem gạo đó cứu đói dân nghèo” (7), chính Hồ Chí Minh là người gương mẫu thực hiện trước, đều đặn và đầy đủ nhất.
- Đối với quần chúng nhân dân.
Đối với nhân dân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phát động phong “Người tốt, việc tốt” sâu rộng trong toàn xã hội. Việc nêu gương “Người tốt, việc tốt” đã có tác dụng rất lớn trong giáo dục đạo đức cho toàn thể nhân dân. Qua đó, mỗi người đều tự nhận thấy mình có thể noi theo gương tốt và làm việc tốt, ai cũng có thể nêu gương về đạo đức cho người khác học tập và ai cũng cần học tập tấm gương đạo đức của người khác để trở thành người có ích cho xã hội. Theo Hồ Chí Minh: nêu gương là biện pháp thiết thực để “trồng người”, để xây dựng xã hội mới. Vì vậy, trong khoảng thời gian từ năm 1959 đến 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến những tấm gương người tốt, việc tốt. Mỗi lần có những tấm gương người tốt việc tốt, Người đề nghị địa phương, cơ quan đó xác nhận và gửi tặng huy hiệu. Người đã cắt những bài viết trên báo, tập hợp khoảng hơn 4.000 bài viết về tấm gương “người tốt, việc tốt”, dán kín 18 quyển vở. Có người hỏi Bác đó là cái gì, Bác nói “vàng của dân tộc đấy”. Bác Hồ đã ghi nhận những tấm gương bình thường mà cao đẹp như một cụ già ở vùng sơ tán, trồng cây dọc đường làng và đào hầm trú ẩn để người đi đường có chỗ nấp; anh bộ đội nhặt nhạnh, tích góp 300 bộ nút từ quần áo cũ và nộp vào kho…Còn biết bao tấm gương khác nữa, những tấm gương rất đỗi đời thường với những con người khác nhau, với những việc làm khác nhau, trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung là họ sống không chỉ cho riêng mình mà cho tất cả mọi người.
Tư tưởng về sử dụng những tấm gương “Người tốt, việc tốt” để giáo dục lẫn nhau không chỉ thể hiện sự quan tâm đến phát triển đạo đức xã hội nói chung, mà còn thể hiện niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào con người, vào khả năng tự giải phóng của mọi tầng lớp xã hội về mặt tinh thần - đạo đức khỏi mọi sự kỳ thị của các hệ tư tưởng thống trị trong xã hội cũ. Tư tưởng đó thể hiện sự bao quát, tầm nhìn của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc đối với công tác giáo dục đạo đức, cũng như hiệu quả của công tác này trong xây dựng chế độ xã hội mới. Với Hồ Chí Minh, rèn luyện đạo đức cách mạng nói riêng và rèn luyện đạo đức con người mới nói chung là một quá trình gian nan, vất vả, cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản: một là, tu dưỡng đạo đức bền bỉ suốt đời, gắn với thực tiễn cách mạng; hai là, nêu gương về đạo đức, nói đi đôi với làm; ba là, xây dựng đạo đức mới đi đôi với đấu tranh chống những biểu hiện phi đạo đức. Trong đó, vấn đề nêu gương giữ một vai trò to lớn, tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành đạo đức của con người. Hơn bất kỳ một lĩnh vực nào khác, trong rèn luyện đạo đức, phải chú trọng đạo làm gương. Đó là tấm gương của ông bà, cha mẹ đối với con cháu, tấm gương của thầy cô đối với học trò, là tấm gương của con người đối với con người… Đặc biệt là tấm gương của cán bộ, đảng viên đối với quần chúng nhân dân.
3. Biện pháp để thực hiện nêu gương có hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả phương pháp nêu gương trong giáo dục đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, chúng ta cần phải thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phương pháp nêu gương trong giáo dục, rèn luyện đạo đức, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị phải coi nêu gương là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Đối với cán bộ, đảng viên nhất là lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tự giác, gương mẫu thực hiện, phải là tấm gương tốt cho quần chúng và nhân dân noi theo. Muốn như vậy phải thực hiện tốt “nói đi đôi với làm”. Đây là một phương châm, nguyên tắc chỉ đạo hoạt động, được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những tiêu chí quan trọng khi thực hành phương pháp nêu gương, đồng thời là biểu hiện cụ thể, sinh động về bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng ta, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đứng vững và vượt qua trước mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng; kiên quyết phê phán những cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám hành động, hoặc “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đường làm một nẻo”, thậm chí chỉ thụ động, trong chờ, ỷ lại, trốn tránh trách nhiệm. Những biểu hiện đó hoàn toàn trái với tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đem lại hiệu quả phản tác dụng, làm cho phương pháp “nêu gương” mất ý nghĩa trong giáo dục đạo đức, lối sống của nội bộ tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, là động lực bên trong giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng vươn lên hoàn thiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu của phương pháp “nêu gương” được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Vì vậy, lúc sinh thời, Người thường xuyên đặt ra yêu cầu bức thiết đối với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội là phải rất coi trọng thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình, mỗi thành viên của tổ chức cần phải giữ đúng thái độ trung thực, mực thước, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Muốn làm cho người ta bắt chước thì tự mình phải “chính” trước đã; phải khắc phục triệt để các căn bệnh hình thức, thành tích, địa phương chủ nghĩa, cục bộ, bè phái... Trong khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải thẳng thắng, chân thành, nghĩa là không nể nang, không thêm bớt, “không dấu bệnh sợ thuốc”. Đồng thời phải “có tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau” tránh tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”, hiềm khích, nghi kỵ nhau, ngày càng trở nên mất đoàn kết. Như vậy, chẳng còn nêu gương được với ai nữa.
Học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phương pháp nêu gương đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng phải nêu cao tính chiến đấu tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình phải từ trên xuống; các cấp ủy, cấp lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên nêu gương tự phê bình và phê bình cho cấp dưới và quần chúng noi theo. Bởi vì, quần chúng nhân dân luôn chú ý tới lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên để xem có nên noi theo hay không noi theo. Qua đó họ biết rất rõ cán bộ, đảng viên có những ưu điểm, nhược điểm gì và đã sửa chữa nhược điểm, phát huy ưu điểm đến đâu. Cán bộ, đảng viên càng giữ vị trí cao, vị trí quan trọng, nhất là người đứng đầu, càng phải hết sức nêu gương tự phê bình và phê bình về phẩm chất đạo đức, lối sống ở mọi lúc, mọi nơi.
Ba là, thường xuyên phát động phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng trong toàn xã hội. Kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực điển hình để biểu dương, khen thưởng kịp thời; bảo đảm việc tôn vinh các tập thể, cá nhân một cách chính xác, khách quan nhằm nâng cao tác dụng nêu gương và có sức lan tỏa lớn trong xã hội. Trong thực hiện phương pháp nêu gương về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, không chỉ đơn thuần là việc biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, mà điều quan trọng là phải nuôi dưỡng những điển hình tiên tiến đó. Đồng thời, phải khắc phục mọi biểu hiện của tư tưởng tự mãn, chủ quan, dừng lại, hoặc chỉ dựa vào những truyền thống đã có để khuếch trương thành tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến tất cả các đối tượng. Kết hợp tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với tuyên truyền về những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của người. Khai thác, sử dụng và nâng cao hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong thực hiện tuyên truyền các phong trào thi đua.
***
Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những yếu tố tích cực còn có cả những yếu tố tiêu cực tác động trực tiếp và gián tiếp đến tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi vậy, “nêu gương đạo đức, nói đi đôi với làm” theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trở nên cần thiết đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đạo làm gương của Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm ở Người thực sự có một sức thu hút mãnh liệt, khiến cho cả dân tộc, nhiều thế hệ, các giai tầng xã hội đều tin tưởng đi theo tiếng gọi của Người.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Hồ Chí Minh TT, Nxb CTQG, H.2000, t.5, tr.248
(2) Hồ Chí Minh TT, Nxb CTQG, H.2000, t.5, tr.644
(3) Hồ Chí Minh TT, Nxb CTQG, H.2000, t.12, tr.558
(4) Hồ Chí Minh TT, Nxb CTQG, H.2000, t.4, tr.150
(5) Hồ Chí Minh TT, Nxb CTQG, H.2000, t.1, tr.263
(6) Hồ Chí Minh TT, Nxb CTQG, H.2000, t.5, tr.552
(7) Hồ Chí Minh TT, Nxb CTQG, H.2000, t.4, tr.31