Một số giải pháp giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam hiện nay


TS. Lương Thị Thúy Nga

Trường Đại Học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên 

Email: luongnga@tnut.edu.vn

 

1. Sự cần thiết phải giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam hiện nay

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một nhà tư tưởng lớn mang tầm vóc của thời đại, danh nhân văn hóa kiệt xuất, tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc và nhân loại tiến bộ. Đạo đức Hồ Chí Minh một cách đầy đủ là sự thống nhất giữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và thực tiễn đời sống đạo đức của Người. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống những quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức, bao gồm vị trí, vai trò, nội dung; những phẩm chất đạo đức cơ bản và những yêu cầu xây dựng nền đạo đức mới; yêu cầu rèn luyện đạo đức đối với người cách mạng. Thực tiễn đời sống đạo đức chính là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua hoạt động, hành vi và lối sống, qua các mối quan hệ với con người, với công việc, trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày.

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ.  Người luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Người từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” [3, tr.194]. Trong công tác giáo dục, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên nhằm giúp họ trở thành những người chủ xứng đáng và người cách mạng chân chính. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cho họ, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Sinh viên là một bộ phận trong lực lượng thanh niên, là những người đang được đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng về một lĩnh vực nhất định để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai. Sinh viên có đặc điểm là những người trẻ tuổi, có tri thức, dễ tiếp thu cái mới;  lực lượng nhạy bén với các vấn đề chính trị xã hội; là lực lượng tuổi đời còn trẻ, mặc dù được trang bị một lượng tri thức nhất định nhưng vẫn còn non nớt nên dễ bị lôi kéo, tác động.

Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, sự du nhập các giá trị văn hóa, đạo đức từ bên ngoài sẽ mạnh hơn, nhanh hơn. Điều đó đã khiến một bộ phận không nhỏ sinh viên có lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, coi thường các giá trị truyền thống, sống ỷ lại bố mẹ, không chịu phấn đấu rèn luyện. Trong học tập còn có hiện tượng chạy điểm, chạy bằng, thờ ơ với các sinh hoạt đoàn thể. Vì ngại khó, ngại khổ, nên thực dụng trong việc chọn ngành nghề. Một số thích lối sống hưởng thụ, đua đòi, ăn chơi, buông thả, dẫn đến vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội.…

            Các thế lực vẫn không ngừng âm mưu phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Bằng “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, các thế lực thù địch tấn công chúng ta trên nhiều phương diện, nhưng chủ yếu nhất là trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, nhằm làm xói mòn niềm tin của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng, làm ảnh hưởng tới các giá trị đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Và một trong những đối tượng trực tiếp của kẻ thù đó là thanh niên trong đó có sinh viên. Chính vì vậy, công tác giáo dục đạo đức nói chung, giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng cho sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

2. Nội dung giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam

2.1. Giáo dục cho sinh viên về trò của đạo đức và những phẩm chất đạo đức cơ bản

Một là, giáo dục cho sinh viên nhận thức được vai trò của đạo đức

Hồ Chí Minh yêu cầu sinh viên phải lấy đạo đức làm gốc, làm nền tảng. Có đạo đức làm nền tảng, sinh viên mới hoàn thành được nhiệm vụ học tập, tu dưỡng nhân cách để chuẩn bị cho tương lai, để tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, giáo dục cho sinh viên những phẩm chất đạo đức cơ bản

Giáo dục lòng yêu nước, thương dân: Theo Hồ Chí Minh, với sinh viên yêu nước là việc gì có lợi cho Tổ quốc phải làm, cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại”. Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên, sinh viên phải yêu thương nhân dân, yêu thương con người.

Giáo dục phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính”: Giáo dục phẩm chất Cần cho sinh viên trước hết là giáo dục tinh thần chăm chỉ trong học tập và rèn luyện, nhưng chăm chỉ phải gắn phải gắn với siêng năng. Kiệm đối với sinh viên là tiết kiệm mọi mặt trong đó có thời gian, tiền bạc và sức lực. Liêm đối với sinh viên là luôn có ý thức giữ gìn bảo vệ của công nơi mình học tập, luôn trong sáng, không tham gì ngoài ham học hành, nâng cao trình độ... để hoàn thiện bản thân. Chính đối với sinh viên là ngay thẳng, trung thực, thật thà.

Giáo dục phẩm chất Đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”: Đối với sinh viên, trong quá trình học tập cần nêu cao tinh thần đoàn kết với bạn bè, giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện, giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn, cùng nhau phấn đấu để đạt mục tiêu trở thành người chủ tương lai vừa có đức, vừa có tài.

Giáo dục phẩm chất Yêu lao động, có ý thức tổ chức kỷ luật”: Tinh thần yêu lao động của sinh viên là phải được thể hiện trong quá trình học tập, đó là sự chăm chỉ, say mê, tận tâm, tận lực, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo để trau dồi kiến thức, kỹ năng tốt phục vụ cho quá trình lao động ngoài xã hội.

2.2. Giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rất nhiều bài biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, để mọi người học tập và noi theo, nhất là đối với thế hệ trẻ. Bên cạnh việc nêu các tấm gương để thanh niên, sinh viên noi theo, bản thân Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức cách mạng. Đối với sinh viên, Hồ Chí Minh còn là một tấm gương sáng về tinh thần tự học.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam hiện nay

3.1. Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên thông qua các môn học, trong đó môn Tư tưởng Hồ Chí Minh là nòng cốt

Chú trọng khai thác nội dung đạo đức Hồ Chí Minh trong môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh: Trong môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều nội dung, quan điểm, tư tưởng khác nhau. Tuy nhiên, nội dung nào cũng chứa đựng những giá trị đạo đức, xuất phát từ mục đích của Hồ Chí Minh là mang lại độc lập cho dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội. Vì vậy, giảng viên cần khai thác và giáo dục cho sinh viên những khía cạnh đạo đức được thể hiện qua toàn bộ môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đổi mới phương pháp giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao hiệu quả tiếp nhận tri thức về đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên: Đổi mới các phương pháp giảng dạy trong giờ học theo hướng tạo tính chủ động, độc lập, sáng tạo, tạo hứng thú cho sinh viên trong việc tiếp nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh như: Đổi mới phương pháp thuyết trình truyền thống; Lồng ghép những câu chuyện về đạo đức Hồ Chí Minh trong bài giảng; Đổi mới phương pháp seminnar; Hướng dẫn sinh viên sử dụng tài liệu tham khảo; Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và khai thác hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đổi mới phương pháp ôn luyện, kiểm tra, thi kết thúc học phần.

3.2. Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên thông qua hoạt động Đoàn, Hội và các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm

Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh thông qua hoạt động Đoàn, Hội: Cần phát huy tốt vai trò chỉ đạo của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trong việc tổ chức và thu hút sinh viên vào các phong trào chính trị, xã hội; chủ động đề ra các hoạt động và phong trào thi đua cho đoàn viên, sinh viên; tiếp tục đổi mới và phát triển các phong trào tình nguyện vì cộng đồng. Hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trong các trường phải thực sự dân chủ.

Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm: Đa dạng hóa các hoạt động ngoài khóa nhằm giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên như: thông qua hình thức tuyên truyền, tọa đàm, chiếu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; qua hình thức tham quan; qua tổ chức ngày hội đọc sách, triển lãm ảnh và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh; qua hình thức tổ chức thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thi Olympic Tư tưởng Hồ Chí Minh…

3.3. Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên thông qua tấm gương đạo đức

Tấm gương đạo đức để sinh viên học tập, noi theo trước hết là những cá nhân, tập thể điển hình ngay trong lớp, trong trường. Bên cạnh những tấm gương đạo đức trong nhà trường, việc nêu gương người tốt, việc tốt ngoài xã hội có vai trò lớn trong giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên. Trong những tấm gương để sinh viên học tập, không thể phủ nhận được tấm gương đạo đức người thầy - giảng viên. Mỗi giảng viên cần làm tốt những yêu cầu sau: Phải luôn trau dồi và nâng cao phẩm chất, năng lực của mình, điều đó là yêu cầu tự thân của mỗi nhà giáo, vừa là yêu cầu cả xã hội đặt ra. Mỗi giảng viên phải trở thành tấm gương về lòng yêu nước, yêu thương con người, đời sống khiêm tốn, giản dị, có ý chí và nghị lực vươn lên.

3.4. Phát huy ý thức tự giác, tự giáo dục của sinh viên theo đạo đức Hồ Chí Minh

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên cần phát huy tính tự giác, tự giáo dục của sinh viên gắn với thực hiện nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

Trong hoạt động học tập: Sinh viên có động cơ học tập đúng đắn; phải biết tự xây dựng kế hoạch học tập và phải quyết tâm thực hiện kế hoạch đó một cách nghiêm túc; phải xây dựng được phương pháp tự học hiệu quả.

Trong nhiệm vụ rèn luyện của sinh viên: Rèn luyện bản thân nhằm hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, nhân cách cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với sinh viên. Nhiệm vụ đó trước là thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định của trường, của lớp. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ, nhưng đồng thời cũng thể hiện thái độ đạo đức của sinh viên. Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh phải được thể hiện từ những việc rất nhỏ như: đi học đầy đủ, đúng giờ, nghiêm túc trong học tập và thi cử, có thái độ tôn trọng thầy cô giáo…

3.5. Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên thông qua đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không ngừng âm mưu phá hoại sự nghiệp cách mạng nhân dân ta. Sinh viên chính là một trong những đối tượng trực tiếp của kẻ thù hướng tới. Vì vậy, để giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên cần kết hợp với đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh. Cụ thể: Giảng viên giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh cung cấp những tài liệu nghiên cứu về Hồ Chí Minh để sinh viên hiểu đúng về Người; thông qua các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho sinh viên; thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhau; kịp thời nắm bắt những sinh viên có biểu hiện bị lôi kéo, dụ dỗ theo các tổ chức phản động; thông qua mạng xã hội, hướng dẫn sinh viên nhận diện và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc về Hồ Chí Minh…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên (2004), Nxb Thanh niên, Hà Nội

2.    Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 1, 9,10,11,14Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3.     Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4.   Phạm Đình Nghiệp (2000), Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam trong tình hình mới, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

5.    Trần Quy Nhơn (2005), Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ
cách mạng cho đời sau, Nxb Giáo dục, Hà Nội

 

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn