Quan điểm Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn của người cán bộ


TS. Ngô Thị Phương Thảo

Tóm tắt: Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, sự nghiệp đổi mới của nước ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới, hơn lúc nào hết đòi hỏi chúng ta cần phải có một đội ngũ cán bộ đủ “hồng” và “chuyên” để có thể đáp ứng và giải quyết được những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong bài viết này, tác giả chỉ ra quan điểm của Hồ Chí Minh về quan hệ giữa đức và tài ở người cán bộ nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa có đủ phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng hiện nay.   

Từ khóa: phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, cán bộ

MỞ ĐẦU

Xuất phát từ vị trí, vai trò hết sức quan trọng của con người trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh yêu cầu để hoàn thành tốt vai trò của mình, người cán bộ cách mạng phải có đầy đủ những phẩm chất cần thiết và phải luôn tự giác rèn luyện để không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.

NỘI DUNG

1. Về phẩm chất chính trị

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là cái gốc của người cách mạng, là nội dung quan trọng của phẩm chất chính trị, đạo đức. Người nói: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn, phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”. “Chính trị là đức, chuyên môn là tài” [7, tr. 429]. Đã là người cán bộ cách mạng thì phải có đạo đức cách mạng. Giữ được đạo đức cách mạng mới có thể trở thành người cán bộ cách mạng chân chính. Bởi vì: Mọi việc thành công hay thất bại, chủ yếu là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không.

Những nội dung cơ bản trong quan điểm của Hồ Chí Minh về phẩm chất chính trị của người cán bộ cách mạng có thể được khái quát như sau:

Trung với nước, hiếu với dân:

Trung, hiếu là đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam và phương Đông, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển trong điều  kiện  mới. Trung với nước là trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước, làm cho đất nước “sánh vai với cường quốc năm châu". Nước là của dân, dân là chủ đất nước, trung với nước là trung với dân, vì lợi ích của nhân dân, “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”... Hiếu với dân nghĩa là cán bộ đảng, cán bộ nhà nước “vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của dân”.

Trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng. Người dạy, đối với mỗi cán bộ đảng viên, phải “tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”, và hơn nữa, phải “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Trung với nước, hiếu với dân là phải gắn bó với dân, gần dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của người làm chủ đất nước, làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.

Hiếu với dân là mỗi cán bộ, Đảng viên phải biết chăm lo cho cuộc sống của dân ngày càng tốt hơn. Người nhấn mạnh: việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Chính quyền phải có trách nhiệm lo cho dân: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trung với nước, hiếu với dân thể hiện quan điểm của Người về mối quan hệ và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với cộng đồng, đất nước.

Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình:

Yêu thương con người trong tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn của nhân loại, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Yêu thương con người thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân trong quan hệ xã hội. Tình yêu thương con người thể hiện trước hết là tình thương yêu với đại đa số nhân dân, những người lao động bình thường trong xã hội, những người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột. Yêu thương con người phải làm mọi việc để phát huy sức mạnh của mỗi người, đoàn kết để phấn đấu đạt được mục tiêu “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Thương yêu con người phải tin vào con người. Với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc; với người thì khoan dung, độ lượng, rộng rãi, nâng con người lên, kể cả với những người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Yêu thương con người là giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn. vậy, phải thực hiện phê bình, tự phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để không ngừng tiến bộ. Yêu thương con người phải dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người.

Đối với những người cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: học tập chủ nghĩa Mác - Lênin để thương yêu nhau hơn, hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư:

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh, là mối quan hệ “với tự mình”. Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương và Người giải thích cặn kẽ, cụ thể nội dung từng khái niệm.

Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta. Cần luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài” [6, tr.120]. Lười biếng là kẻ địch của chữ Cần và cũng là kẻ địch của dân tộc.

Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” [6, tr.122].

Nhưng theo Hồ Chí Minh tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Người viết: "Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đáng là kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu là bủn xỉn chứ không phải là kiệm" [6, tr.123].

Cần, kiệm là phẩm chất của mọi người lao động trong đời sống, trong công tác.

Liêm là trong sạch, là luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân, không tham địa vị, không tham tiền tài..., không tham tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Hồ Chí Minh đã chỉ ta những hành vi trái với chữ liêm, đó là: “Cậy quyền thế đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư” [6, tr.126]. “Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Gặp việc phải, sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật uý lao. Gặp giặc rút ra không dám đánh là tham sinh uý tử” [6, tr.127].

Chính: “Nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn” [6, tr.129]. Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Đối với người: “Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà, đoàn kết, phải học người giúp người tiến tới” [6, tr.130-131]. Đối với việc, phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi, đến chốn. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, có hại cho nước thì quyết không làm.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ” [6, tr.128]. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Đó là việc làm vô cùng cần thiết, bởi vì cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút.

Liêm, chính là phẩm chất của người cán bộ khi thi hành công vụ.

Chí công là rất mực công bằng, công tâm. Vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị “tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán”, đem lòng chí công, vô tư đối với người, với việc. Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Muốn “chí công, vô tư” phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Đây là chuẩn mực của người lãnh đạo, người “giữ cán cân công lý”, không được vì lòng riêng mà chà đạp lên pháp luật.

Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công, vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công, vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.

Tinh thần quốc tế trong sáng:

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là sự mở rộng những quan niệm đạo đức nhân đạo, nhân văn của Người ra phạm vi toàn nhân  loại. Quan niệm đạo đức về tình đoàn kết quốc tế trong sáng của Hồ Chí Minh thể hiện trong các điểm sau: Đoàn kết với nhân dân lao động các nước vì mục tiêu chung đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột. Đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản toàn thế giới vì một mục tiêu chung, “bốn phương vô sản đều là anh em”. Đoàn kết với nhân loại tiến bộ vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội. Đoàn kết quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng, chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô vanh, vị kỷ, hẹp hòi, kỳ thị dân tộc...

2. Về trình độ chuyên môn

Đạo đức được xác định là yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất, là gốc của người cán bộ cách mạng, nhưng Hồ Chí Minh cũng không bao giờ xem nhẹ tài năng. Người nói: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài” [8, tr. 269]. Người cán bộ phải vừa có đức, vừa có tài. Người luôn nhấn mạnh đến năng lực lãnh đạo và thực hành công việc của người cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ tốt nhất thiết phải là người có đủ phẩm chất và năng lực, những phẩm chất và năng lực đó phải được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh không viết riêng một bài nào dành cho tiêu chuẩn tài năng của người cán bộ, song tất cả các bài viết liên quan đến cán bộ của người đều toát lên các yêu cầu, tiêu chuẩn tài năng, năng lực của người cán bộ cách mạng.

Quý trọng hiền tài, “Chiêu hiền đãi sĩ” được thể hiện rất rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ khi chuẩn bị giành chính quyền và nhất là trong những ngày đầu cách mạng còn non trẻ, Hồ Chí Minh đã có bài viết nổi tiếng để tập hợp người tài cho cách mạng Việt Nam và tìm người tài đức. Theo Hồ Chí Minh tài của người cán bộ là trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất. Tài được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình. “Tài” còn khả năng hoạt động thực tiễn, kỹ năng hiệu quả thực hành các công việc được giao. Người cán bộ cách mạng phải có năng lực trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn, có trình độ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Dù hoạt động trên bất kỳ lĩnh vực nào thì người có “Tài” phải là người có sự hiểu biết thấu đáo và thực hành thành thạo các công việc mình đảm nhiệm. Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thành thạo về chính trị còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung.

Người cán bộ có tài là người có trình độ năng lực, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, giàu về kinh nghiệm, có nhiều sáng kiến. Muốn trở thành người có tài, Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ cách mạng không những phải thường xuyên nâng cao trình độ phải biết tự rèn luyện, học hỏi đúc kết từ thực tiễn hoạt động cách mạng. Theo Người, sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ, nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực.

“Tài” của người cán bộ phải được nhìn nhận, đánh giá theo từng loại công việc và vì thế phải tìm chọn cán bộ có tài và bố trí phù hợp với yêu cầu sử dụng của từng nhiệm vụ. Người căn dặn: “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tuỳ tài dùng người. Thí dụ thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài dùng người thì hai người đều thành công” [5, tr.314].

Tài năng không bỗng dưng có, vì thế Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi người cán bộ cách mạng phải luôn chăm lo, rèn luyện, thực hiện lời dạy của Lênin là: “Học, học nữa, học mãi !”, và chính Người là tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, tự rèn luyện để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

3. Mối quan hệ giữa các yếu tố phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn

Tài luôn đi đôi với đức. Đức và tài có mối quan hệ biện chứng với nhau. Hồ Chí Minh luôn kết hợp chặt chẽ hai yêu cầu này khi đánh giá, giáo dục, sử dụng cán bộ. Theo Hồ Chí Minh: đạo đức và tài năng là hai mặt không thể tách rời trong mỗi người cán bộ cách mạng.

Người yêu cầu cán bộ cách mạng phải vừa “hồng” vừa “chuyên”, trong Di chúc trước lúc đi xa, Người đã để lại những lời căn dặn tâm huyết của mình đối với thế hệ trẻ “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết” [10, tr.622].

Trong mối quan hệ giữa đức với tài thì đức là gốc vì nó có ý nghĩa quyết định thái độ, lập trường tư tưởng chính trị của người cán bộ, đảng viên và quyết định mục tiêu, lý tưởng họ phấn đấu. Đức là gốc còn vì trong đức đã có tài, bởi khi người cán bộ cách mạng có đức sẽ thường xuyên đòi hỏi với chính bản thân việc học tập, nâng cao trình độ, tài năng để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bản chất của đạo đức cách mạng đã tiềm ẩn một nội lực khiến cho con người phải vươn lên không ngừng để thực hiện những hoài bão của mình. Không có ý chí, sự quyết tâm, lòng dũng cảm, thái độ cần mẫn học tập thì không thể gọi là người có đạo đức. Phải có đức mới đi đến cái trí. Có cái trí mới đi đến tài năng. Nói cách khác, đức là tiền đề, động lực, là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm và phát triển tài năng. Chân lý hiển nhiên đó đã được chứng minh một cách sống động bằng chính cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Cái đức sâu thẳm và bao la ở Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân. Chính lòng yêu nước là nội động lực thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân sẵn sàng chịu đựng mọi gian lao khổ ải nhằm giành bằng được độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình.

Hơn thế nữa, thực tiễn cuộc sống đã chứng minh rằng tài năng của con người có được không phải là bẩm sinh hay thiên phú phần nhiều là do sự cần mẫn, nhọc nhằn trong học tập, rèn luyện và tranh đấu có được. Ý chí và sự khổ luyện đó chính là những phẩm chất đạo đức cơ bản để gầy dựng nên tài năng cũng như giữ gìn và phát triển nó. Có thể nói, đức có rộng thì tài mới cao, tài hèn là do đức mọn. Điều đó giống như gốc có bền và sâu thì cây mới có nhiều điều kiện phát triển nhanh để đơm hoa kết trái. Đối với người có đức khi lượng sức mình đã cố mà không vươn lên được thì sẵn sàng nhường bước, học tập và ủng hộ người tài đức hơn mình để gánh vác việc dân việc nước.

Ngược lại, có đức mà không có tài cũng thành vô dụng. Cách mạng không thể thành công được chỉ với cái tâm trong sáng, với lòng nhiệt thành mà nó phải được kết hợp và chỉ dẫn bởi cái tài, bởi năng lực thông tuệ. Về điều này, Lênin- một lãnh tụ thiên tài của Cách mạng vô sản tháng Mười Nga đã nêu lên một công thức rất khái quát là: sự nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại. Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.

Tài năng được phát huy cao độ nhất chính là đem lại lợi ích cho dân, cho nước – đó cũng chính là cái đức lớn nhất. Bất tài, không có khả năng đem lại lợi ích cho con người, nhất là những người lao động chân chính, người lao khổ; không cống hiến được gì cho xã hội thì không thể coi là người có đạo đức theo đúng nghĩa của nó. Vấn đề quan trọng là tài phải được sử dụng vì đức, phục vụ cho đức nếu không nó trở nên mất phương hướng, thành vô dụng và thậm chí là gây nguy hại cho con người và sự tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, ở Hồ Chí Minh, đức và tài đều được Người đề cao, quý trọng. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai, ngày 7/5/1958, Hồ Chí Minh đã dặn đối thanh niên sinh viên rằng: Thanh niên phải đức, có tài. Có tài không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người” [7, tr.399]. Một năm sau đó, năm 1959 trong Bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên của Bác Hồ có đoạn: “Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài” [8, tr.269]. Hồ Chí Minh còn lưu ý đức và tài phải tương hỗ nhau, thống nhất nhau, nhưng đạo đức được đòi hỏi trước tiên, đức là gốc. Người còn nhấn mạnh: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức” [7, tr.270]. Có thể nói, theo Hồ Chí Minh bất luận ở ngành nghề nào, trong hoàn cảnh thế nào dù là những con người bình thường cũng phải luôn trau dồi cả đức lẫn tài và sẽ càng cần thiết hơn đối với người cán bộ, đảng viên, những người gánh vác trọng trách đối với đất nước, với nhân dân.

KẾT LUẬN

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của con người trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò động lực phát triển xã hội của con người. Đặc biệt trong xây dựng xã hội mới, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” [9, tr.66]. Đó là những con người vừa “hồng” vừa “chuyên”, vừa có đức vừa có tài. Do đó, để xây dựng con người toàn diện, Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra con đường cơ bản để hình thành và phát triển các yếu tố phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn đó là: thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua giáo dục đào tạo và sự tự giác rèn luyện, vươn lên của từng cá nhân. Đây là cơ sở lý luận hết sức quan trọng để chúng ta nhìn nhận, đánh giá thực trạng việc xây dựng đội ngũ cán bộ nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ hiện nay.

………………………………………………………….

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nguyễn Hữu Cát (2009), “Hồ Chí Minh với công tác giáo dục, rèn
luyện đạo đức cách mạng”, Lý luận Chính trị (số 6), tr10-15.

2.      Nguyễn Hữu Công (2010), Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con
người toàn diện
, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3.      Nguyễn Thị Kim Dung – Nguyễn Bắc Phương (2011), “Góp phần tìm
hiểu quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về sử dụng cán bộ”, Đặc san Hồ
Chí Minh học (số 3), tr. 52-55

4.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự
thật, Hà Nội.

5.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự
thật, Hà Nội.

6.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự
thật, Hà Nội.

7.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự
thật, Hà Nội.

8.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự
thật, Hà Nội.

9.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự
thật, Hà Nội.

10. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự
thật, Hà Nội.

11. Lại Quốc Khánh (2012), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công
tác cán bộ”, Tạp chí Lý luận Chính trị (số 4), tr3-8

12. Đức Vượng (2010), Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân
tài
, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn