Xây dựng con người – tất yếu của phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay


Th.S. Nguyễn Thị Thu Hằng – BM. LSĐ-TTHCM

 

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ta luôn khẳng định và chú trọng việc phát huy nhân tố con người. Phát triển con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong phát triển kinh tế và vì các mục tiêu phát triển xã hội trong nhất là đất nước ta đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong phát triển bền vững ở Việt Nam, vai trò của con người có thể được xem xét ở các khía cạnh cụ thể sau đây:

Thứ nhất, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là yếu tố then chốt để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Phát triển bền vững được xác định phụ thuộc vào nhiều nhân tố, song nhân tố cơ bản và có ý nghĩa quyết định, chi phối các nhân tố khác đó là con người, theo đó việc phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân nhằm tạo ra động lực và sức mạnh tổng hợp là yêu cầu quan trọng để phát triển bền vững. Trong các mục tiêu của phát triển bền vững ở nước ta, mục tiêu phát triển con người được khẳng định là mục tiêu cao nhất. Để đạt được mục tiêu này Đảng ta cũng nhấn mạnh yêu cầu: nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và đảm bảo đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước; coi phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ là một trong những đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Thứ hai, trong việc xác định các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững ở Việt Nam, các yếu tố liên con đến con người là một trong các tiêu chí quan trọng trong phát triển bền vững về xã hội như: chỉ số phát triển con người (HDI), hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ các giá trị văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là đảm bảo cho xã hội hài hòa, có sự bình đẳng giữa các giai tâng trong xã hội, bình đẳng giới, giảm khoảng cách giầu – nghèo trong xã hội, chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.

Đối với yếu tố con người trong phát triển bền vững, chỉ số phát triển con người là tiêu chí cao nhất về phát triển xã hội bền vững trong đó bao gồm các giá trị: thu nhập bình quân đầu người, trình độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ các giá trị văn hóa, văn minh. Đặc biệt, phát triển bền vững chú trọng tới yếu tố công bằng xã hội. Con người phải luôn được đảm bảo, chú trọng đảm bảo các điều kiện để có cơ hội phát triển tiềm năng, năng lực của bản thân và có điều kiện sống cơ bản được đáp ứng. Theo đó, các yếu tố cần phải được quan tâm thực hiện như: ổn định dân số, nâng cao trình độ học vấn, bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ịch của con người, tăng cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định, v.v. 

Thứ ba, con người là chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển, tiếp nối quan điểm chỉ đạo của Đảng từ việc tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, đến đại hội Đảng lần thứ XI, XII, XIII tiếp tục nhất quán quan điểm coi “con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”[1]. Cùng với đó, mục tiêu phát triển con người được cụ thể hơn trong việc chú trọng tới phát huy quyền làm chủ của con người. Phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân được phát triển toàn diện. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, phát huy mạnh mẽ mọi khả năng, tiềm lực của nhân dân tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực để phát triển đất nước. Khẳng định con người là mục tiêu của sự phát triển, Đảng ta chú ý tới việc phát huy lợi thế của con người Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài, chăm lo lợi ích chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân, thực hiện công bằng xã hội.

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội cũng có nghĩa là con người là trung tâm của chiến lược phát triển đồng thời là chủ thể của sự phát triển. Với ý nghĩa đó, cần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, có sức khỏe, có tình, có nghĩa, có tinh thần quốc tế chân chính; cần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ để thực sự là tế bào tốt của xã hội, là nền tảng để nuôi dưỡng, phát triển con người.

Trong việc xác định mục tiêu phát triển bền vững của nước ta đến năm 2030. Nghị quyết 136/NQ-CP của Chính phủ đã xác định 17 mục tiêu quan trọng đối với phát triển bền vững ở Việt Nam trong đó có các mục tiêu liên quan đến phát triển con người như:

-       Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi.

-       Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng…

-   Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi.

-  Bảo đảm nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện thúc đẩy cơ họi học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

-       Đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.

Với các mục tiêu như trên, việc xây dựng nguồn lực con người có vai trò quan trọng, then chốt quyết định đến sự phát triển bền vững đất nước nói chung và phát triển bền vững xã hội nói riêng. Để phát triển con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững các vấn đề cơ bản đặt ra đó là:

Một là, ưu tiên tối đa các nguồn lực để xây dựng con người Việt Nam toàn diện ở các phương diện trí lực, thể lực, kỹ năng sống, đạo đức, nhân cách, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, năng lực làm việc… Bồi dưỡng nhân cách con người là yêu cầu quan trọng và thực hiện khó khăn, do đó cần có sự phối, kết hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội – tự bản thân mỗi cá nhân trong đó gia đình và sự giáo dục trong gia đình là yếu tố nền tảng, gốc rễ.

Hai là, nhận diện rõ và khắc phục tối đa tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân để lấy lại niềm tin trong xã hội. Cần phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm liên quan đến sự tha hóa đạo đức, lối sống gây hậu quản cho xã hội để răn đe và làm trong sạch đời sống xã hội. Theo đó, cần có sự quan tâm sát sao giữa các thành viên trong mỗi gia đình để kịp thời ngăn chặn, khắc phục ban đầu về các hành vi tha hóa về đạo đức, lối sống của cá nhân trong mỗi gia đình góp phần cho công tác khắc phục hậu quả ngoài xã hội.

Ba là, cần tiếp tục đổi mới giáo dục ở các cấp học và môi trường giáo dục khác nhau. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục kiến thức chuyên môn và giáo dục tư tưởng, đạo đức. Công tác giáo dục không chỉ được coi là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà còn là nhiệm vụ của mỗi gia đình nhất là trong việc giáo dục về nhân cách, đạo đức và lối sống cho các thành viên trong gia đình.

Bốn là, làm rõ hệ giá trị con người Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử và hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Nhận diện rõ các xu hướng biến đổi của văn hóa trong xã hội để kịp thời có định hướng hợp lý, tránh chiều hướng tiêu cực, hoang mang, thậm chí mất phương hướng của một bộ phận người dân. Các bài học về giá trị con người, giá trị quốc gia, giá trị văn hóa cần được chuyển tải một cách sinh động, thiết thực, thường xuyên để lan tỏa đến nhiều người và toàn xã hội. Tạo dựng giá trị văn hóa, bồi đắp tính nhân văn cho con người trên cơ sở nhìn nhận con người cần có sự hài hòa giữa ba mối quan hệ cơ bản đó là với tự nhiên, xã hội và chính bản thân con người. Xây dựng cơ chế để lan tỏa những giá trị, những hành vi tốt đẹp, những gương người tốt, việc tốt để nêu gương và trau dồi văn hóa ứng xử của mọi người dân, đưa văn hóa thấm sâu vào xã hội, xây dựng xã hội văn hóa và bắt đầu từ tạo dựng văn hóa gia đình từ việc xây dựng gia đình văn hóa góp phần xây dựng con người nhân văn và phát triển toàn diện.

Năm là, phát triển con người cần gắn với việc chăm lo và đề cao văn hóa gia đình bởi gia đình là môi trường quan trọng để tạo dựng và bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, tri thức, lối sống, thể lực… cho con người.

Xây dựng con người Việt Nam hiện nay được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước theo tinh thần và quan điểm chỉ đạo của Đảng đó là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia – dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học trên nền tảng hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”[2].

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, Hà Nội, tr.100.

[2] Phát hiểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021

Tin mới hơn

Tin cũ hơn