GÓC NHÌN TÍCH CỰC VỀ Ý THỨC BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO
CỦA GIỚI TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY
ThS. Trương Vũ Long
Đơn vị: Chi bộ Khoa Khoa học cơ bản & Ứng dụng
1. Góc nhìn về giới trẻ hiện nay
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Qua hàng ngàn năm lịch sử, biển đảo trong tâm thức của người Việt Nam là đất nước, là cuộc sống mà biết bao thế hệ cha ông ta đã đổ xương máu để xây dựng, gìn giữ, phát triển và bảo vệ chủ quyền đất nước cho hiện tại và tương lai. Hiện nay, Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Mỗi công dân nước Việt Nam cần phải phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trong đó thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, xung kích trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thế hệ trẻ, đặc biệt là bộ phận học sinh, sinh viên là những người vừa mới trở thành công dân chính thức hoặc chưa đủ tuổi để trở thành công dân. Bộ phận này nằm trong giai đoạn bắt đầu hình thành nhân cách, lý tưởng, là lớp kế cận của cả dân tộc. Có thể nói, học sinh, sinh viên là bộ phận được xã hội quan tâm hàng đầu. Trong thời gian qua, đã có không ít những luồng dư luận, những quan điểm về thực trạng đáng buồn của “người trẻ” hiện nay. Có nhiều ý kiến cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay thiếu kiến thức lịch sử, thờ ơ với thời cuộc, lãnh cảm với vận mệnh, tương lai của đất nước, thậm chí nặng nề hơn đó là cuốn theo những trào lưu, lối sống ngoại lai mà quyên đi bản sắc dân tộc. Không phủ nhận rằng có một bộ phận giới trẻ chưa được định hướng tốt về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Tuy nhiên nếu chúng ta không thực sự hòa mình vào nhịp sống của thời đại mới và có cái nhìn tích cực hơn về giới trẻ, chúng ta sẽ rơi vào cái nhìn phiến diện, quy chụp về giới trẻ.
Với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của khoa học công nghệ, nhịp sống của thời đại diễn ra gấp gáp hơn. Cùng với việc chất lượng cuộc sống và an sinh xã hội được nâng cao đáng kể. Giới trẻ ngày nay sống trong thời đại công nghệ thông tin, thời đại kết nối toàn cầu, một thời đại mà thế giới thực và thế giới ảo cùng tồn tại, họ có thể dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, và trên các không gian mạng khác. Do được đảm bảo về điều kiện học tập, sinh hoạt và thông tin, giới trẻ ngày nay sẵn sàng xé rào để thực hiện niềm đam mê, sở thích của mình. Tuy nhiên khi đứng trước những vấn đề trọng đại của đất nước, tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc vẫn được các bạn trẻ thể hiện mạnh mẽ. Đối với vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo, thế hệ trẻ có cách thể hiện quan điểm rất riêng. Họ có thể thay đổi ảnh đại diện trên mạng xã hội thành cờ tổ quốc, họ sẵn sàng mặc những chiếc áo có in hình bản đồ toàn vẹn lãnh thổ và dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, họ sẵn sàng “Gõ phím” tranh luận gay gắt trên mạng xã hội để phản bác những luận điểm xuyên tạc vấn đề chủ quyền biển đảo của nước nhà, thậm chí họ sẵn sàng từ bỏ thần tượng, sở thích nếu những điều đó ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc,… và có một điều chắc chắn, họ luôn tự hào vì là người Việt Nam. Cần phải thừa nhận rằng giới trẻ ngày nay vẫn đang tích cực thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với những vấn đề của quốc gia, dân tộc, đặc biệt là vấn đề chủ quyền biển đảo. Chúng ta cần có một cái nhìn tích cực hơn về giới trẻ, qua đó đặt niềm tin vào thế hệ sẽ nắm vận mệnh tương lai của dân tộc.
2. Ý thức của giới trẻ về chủ quyền biển đảo
Việt Nam là một dân tộc anh dũng, tự lực tự cường, phẩm chất quý báu đó đã trở thành đặc trưng trong mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam. Dân tộc ta đã trải quan hành trăm cuộc đấu tranh lớn nhỏ để gây dựng, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Mỗi công dân Việt Nam đều có nhận thức rất rõ ràng về trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ những thành quả mà cha ông để lại. Thế hệ trẻ, những măng non của đất nước, tương lai của dân tộc, là những người đang được trực tiếp hưởng thụ những năm tháng hòa bình, độc lập đã được đánh đổi bởi xương máu của lớp người đi trước. Nhận thức được vai trò quan trọng của thế hệ trẻ, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vấn đề giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ một cách toàn diện làm nhiệm vụ hàng đầu. Trong mọi chủ trương, chính sách, Bộ giáo dục đào tạo, Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên và các tổ chức văn hóa liên quan đến thế hệ trẻ đều phải liên kết chặt chẽ, thống nhất quan điểm tạo mọi điều kiện để thế hệ trẻ ngày nay được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát triển nhân cách, đạo đức tốt, có lý tưởng sống cao đẹp, có niềm tự hào dân tộc, có ý chí đấu tranh bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Trong số những nhiệm vụ kể trên, vấn đề tuyên truyền, giáo dục và hình thành ý thức về chủ quyền biển đảo quốc gia cho thế hệ trẻ, được các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị, gia đình và xã hội thực hiện một cách nghiêm túc và thận trọng. Sự nỗ lực của các cơ quan, đoàn thể, gia đình và xã hội đã đem lại những kết quả to lớn.
Gần như 100% các bạn trẻ đang học tại các trường phổ thông và sinh viên tại các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trên cả nước đều được trang bị những hiểu biết về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là những chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời mọi hành động của Việt Nam về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trước những hành động can thiệp của Trung Quốc cũng được tuyên truyền một cách khéo léo đến các bạn trẻ.
Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên phát huy vai trò chính trị quan trọng của mình, bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của tổ quốc đã trở thành màu sắc chủ đạo trong mọi hoạt động phong trào, thể hiện lý tưởng, hành động cao đẹp của thanh niên. Những chương trình như: “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, “Vì biển đảo quê hương”, “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”… đã ghi dấu ấn trong lòng mỗi người tham gia và vun đắp tình yêu biển đảo cho thế hệ trẻ.
Trên không gian mạng internet, nơi các bạn trẻ danh phần lớn thời gian rảnh rỗi để thực hiện các hoạt động tìm kiếm thông tin, giải trí, sinh hoạt xã hội,..đã được Đảng và Nhà nước cũng như những tổ chức có trách nhiệm quan tâm sát sao. Đã có nhiều kênh phát ngôn chính thức của Đảng, Nhà nước để đảm bảo thông tin, sự thật về vấn đề chủ quyền biển đảo, đồng thời tích cực đấu tranh chống lại những luận điểm xuyên tạc, những thông tin sai sự thật về những vấn đề an ninh, quốc phòng và tư tưởng xã hội. Trên không gian mạng internet, các bạn trẻ được tự do thể hiện quan điểm của mình, đồng thời cũng được hướng dẫn và điều chỉnh hành vi sao cho khách quan, hợp lý. Không gian mạng internet có khả năng chia sẻ thông tin cực kỳ mạnh mẽ, nên đây cũng là nơi mà giới trẻ thể hiện quan điểm của mình, đại đa số các bạn trẻ được tuyên truyền, giáo dục tốt đều có thế giới quan đúng đắn về các vấn đề hệ trọng của quốc gia, dân tộc, từ đó có những phản biện rất đanh thép, đậm dấu ấn cá nhân, đồng thời thể hiện được tinh thần dân tộc, tư tưởng văn minh, tiến bộ về vấn đề chủ quyền, biển đảo.
Có thể nói, ý thức về vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia trong giới trẻ ngày nay là rất đáng khen ngợi, nó được xây dựng từ sự quan tâm sát sao, sự giáo dục, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị, của gia đình và xã hội cộng với tư tưởng tiến bộ, sự năng động sáng tạo của bản thân những bạn học sinh, sinh viên đầy nhiệt huyết. Những suy nghĩ và hành động của các bạn trẻ đối với vấn đề chủ quyền, biển đạo được thể hiện rất đa dạng, phong phú, nhưng đều cho thấy tinh thần yêu nước, lòng biết ơn đối với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, tư tưởng yêu chuộng tự do, hòa bình, công lý.
3. Những hoạt động tích cực của giới trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền, biển, đảo quốc gia.
Bên cạnh những hoạt động truyền thống, được xây dựng và tổ chức trong khuôn khổ nhà trường, tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, các câu lạc bộ xung kích, tình nguyện, các bạn trẻ ngày nay đã tích cực hành động bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của tổ quốc bằng nhiều hình thức hiện đại, trên những không gian đặc biệt sôi nổi như các mạng xã hội, các diễn đàn quốc tế, thậm chí trong mọi vấn đề nhỏ của đời sống.
*Nhuộm đỏ facebook
Nhằm thể hiện tình yêu với tổ quốc, khẳng định chủ quyền và luôn hướng tới những chiến sĩ đang bảo vệ biển đảo, giới trẻ Việt Nam đã đồng loạt thay đổi avatar của mình trên Facebook bằng cờ tổ quốc.
Đồng loạt đổi hình đại diện (avatar) facebook là hình ảnh người chiến sĩ hải quân đang cầm súng bảo vệ cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam với lời khẳng định "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam", cư dân mạng đang hướng về biển đảo thân yêu. Trước tình hình căng thẳng và bất ổn ngoài biển Đông khi Trung Quốc bất chấp lẽ phải, chà đạp lên sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cư dân mạng Việt Nam đã thể hiện thái độ phản đối việc làm của Trung Quốc trên diễn đàn và các trang mạng xã hội. Trên facebook, cư dân mạng đã lập ra hàng loạt các Fan Page (câu lạc bộ), nhóm để thảo luận và kêu gọi mọi người ủng hộ, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, tàu Bình Minh 02 và Viking 2... với những cái tên như "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam", "Tôi yêu Việt Nam", "Hội những người yêu màu cờ Tổ quốc", "Việt Nam - Hồ Chí Minh"...
Đồng loạt đổi hình đại diện (avatar) trên yahoo, facebook
là hình ảnh người chiến sĩ hải quân đang cầm súng bảo vệ cột mốc chủ quyền
biển đảo Việt Nam với lời khẳng định "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam
Các fan page đã thu hút được hàng chục nghìn thành viên tham gia, thông tin về tình hình biển đảo được các bạn cập nhật thường xuyên. Các fan page còn tổ chức sự kiện để tạo thành một làn sóng quyết tâm khẳng định chủ quyền biển đảo như 87 triệu chữ ký đả đảo Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam, đồng loạt đổi avatar 3/6 đến 5/6, in áo đồng phục "Nam quốc sơn hà"... Đặc biệt, sự kiện "Đồng loạt đổi avatar 3/6 đến 5/6" nhân sự kiện Diễn đàn an ninh đối thoại châu Á (Shangri-la dialogue 2011) trong đó có những căng thẳng trên biển Đông, nơi có các tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là chủ đề nóng diễn ra trong ba ngày tại Singapore đã thu hút tới hơn 10.000 người tham gia chỉ sau một ngày phát động. Những người tham gia tin rằng, việc đổi avatar đồng loạt với hình ảnh người chiến sĩ hải quân đang cầm súng bảo vệ cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam sẽ tạo hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng, thu hút sự chú ý của bạn bè và đặc biệt là bạn bè quốc tế. "Dù chỉ là một hành động nhỏ bé, nhưng nó thể hiện tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ chúng ta. Chúng ta vô cùng tự hào khi được đóng góp 1 phần nhỏ sức lực của mình để bảo vệ tổ quốc Việt Nam thiêng liêng", một cư dân mạng khẳng định.
Vấn đề căng thẳng ở biển Đông đã trở thành mối quan tâm chung của cả dân tộc. Cư dân mạng xưa nay "có tiếng" là chỉ quan tâm đến các vấn đề vui chơi giải trí, nay lại thực sự nghiêm túc với các vấn đề chính trị. Có những ý kiến nhìn nhận vấn đề biển Đông một cách sâu sắc, phân tích rõ ràng, khúc triết thể hiện sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ.
*Từ bỏ thần tượng
Theo tác giả Khánh Văn trong bài viết “Giới trẻ lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo” đăng trên báo Dân sinh – cơ quan của Bộ LĐ-TB&XH, rất nhiều bạn trẻ đã quyết định giã từ thần tượng là những diễn viên, ca sĩ Trung Quốc, vì họ đã lên tiếng bảo vệ “đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông. Thậm chí, nhiều trang mạng còn quyết định nói không với truyện Trung Quốc, Đài Truyền hình ngừng chiếu phim Trung Quốc vì có diễn viên bảo vệ “đường lưỡi bò”.
Ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nhiều nghệ sĩ lớn của Trung Quốc như Triệu Vy, Lưu Diệc Phi, Huỳnh Hiểu Minh, Phạm Băng Băng, Lục Tiểu Linh Đồng, Dương Mịch, Lưu Thi Thi... đồng loạt đăng tải hình ảnh “đường lưỡi bò” có họa tiết quốc kỳ Trung Quốc với nội dung: “Đây mới là Trung Quốc, một chút cũng không thể thiếu!”. Ngay lập tức, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng cách tẩy chay sao Hoa ngữ bảo vệ “đường lưới bò”. Phạm Đức Huy, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) đăng status cập nhật danh sách sao Hoa ngữ đòi công nhận “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông, thu hút gần 3.000 lượt bình luận, và gần 10.000 lượt chia sẻ. Đông đảo bạn trẻ mạnh mẽ lên tiếng, chia sẻ trên facebook: “Kiên quyết phản đối việc bảo vệ đường lưỡi bò phi lý của sao Hoa ngữ”.
Các bạn trẻ đặt chủ quyền biển đảo, Tổ quốc lên trên và sẵn sàng lên án những thần tượng, ngôi sao họ từng mến mộ. Nguyễn Vân Anh, học sinh trường Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) khẳng định: “Từ nay không xem phim, nghe nhạc cũng như các chương trình nghệ thuật của Trung Quốc nữa. Mặc dù biết họ sinh ra lớn lên ở đất nước của họ, thì họ yêu nước cũng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, bảo vệ một điều phi lý thì không thể chấp nhận được. Tôi vốn yêu mến bác Lục Tiểu Linh Đồng (vai Tôn Ngộ Không trong phim truyền hình Tây Du Ký), nhưng giờ bác có ra 7.321 phép thần thông đi nữa thì Trường Sa, Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam”. Đồng quan điểm này, Nguyễn Xuân Mỹ Linh, sinh viên Đại học Kinh doanh và Kỹ thuật Hà Nội bình luận: “Mặc nhiên họ yêu đất nước họ thì tôi cũng có quyền yêu đất nước tôi. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Xin chia tay phim Trung Quốc, soái ca và thần tiên tỉ tỉ từ đây. Tôi, trước hết là công dân Việt yêu nước, không thể ủng hộ tư tưởng trái nghĩa với lợi ích dân tộc tôi”.
Một bạn trẻ khác rất tỉnh táo khi đưa ra bình luận: “Trung Quốc đang dùng Wechat để tuyên truyền đường lưỡi bò trên Biển Đông là của họ. Ngay bản thân tôi là một người trẻ, tôi cũng như nhiều bạn trẻ Việt khác yêu thích các sản phẩm văn hóa, phim ảnh, âm nhạc của Trung Quốc. Nhưng ngay sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, các nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc hoặc mang quốc tịch Trung Quốc đang hoạt động nước ngoài đều rầm rộ tải lên một bức ảnh với dòng chữ: “Trung Quốc, một chút cũng không thể thiếu” với ngụ ý không đồng tình với phán quyết của quốc tế. Tôi thấy các bạn trẻ ở Việt Nam nên sáng suốt hơn khi tiếp nhận thông tin, giữ vững quan điểm lập trường và đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết”.
Những hành động trên đã cho thấy sự quyết tâm và tinh thần cứng rắn của các bạn trẻ, họ sẵn sàng từ bỏ những gì đã gắn bó, những sở thích cá nhân, vì họ ý thức được rằng không có gì lớn bằng lợi ích quốc gia, không có gì đáng tự hào bằng lòng yêu nước, không có gì thiêng liên bằng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
*Mong ước được đến Trường Sa.
Theo bài “Trường Sa trong trái tim người trẻ” của nhà báo Lê Dung, được đăng trên báo Tuổi trẻ online, dù chưa từng đặt chân đến Trường Sa nhưng trong mắt nhiều người trẻ, nơi ấy luôn thiêng liêng và là ước mơ, mong mỏi được ít nhất một lần đi tới. Trường Sa khiến trái tim dâng tràn cảm xúc, để rồi ai cũng muốn đóng góp một điều gì đó, dù là nhỏ bé của mình cho biển đảo quê hương.
Hiện đang công tác tại một cơ quan báo chí, Nguyễn Ngọc Thu (27 tuổi) luôn mong muốn được tới thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Cô gái 9X bày tỏ: “Mình muốn được đặt chân đến Trường Sa một lần thôi. Mình biết, đi tàu ra đảo giữa phong ba, sóng cả rất khó khăn, thậm chí say sóng có người bỏ cuộc quay lại bờ nhưng mình rất muốn được đến với Trường Sa để trải nghiệm và “kiểm nghiệm” cả những cảm xúc của những người đã từng tới đó. Với mình, Trường Sa rất đẹp, rất thiêng liêng và chắc chắn sẽ là “vùng đất hứa” cho những bài viết dạt dào cảm xúc”.
Có thể nói, với Thu và những người con đất Việt ai cũng luôn tâm niệm Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Việt Nam. Cơ hội được một lần đặt chân tới thăm Trường Sa, tận mắt chứng kiến khung cảnh, cuộc sống của con người nơi đây là điều họ luôn muốn được thực hiện.
Năm nay, Hoàng Tú Lan (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) 17 tuổi. Cô học trò cấp 3 chỉ biết Trường Sa qua những trang sách, báo chí, thước phim và bài hát. Có điều, Tú Lan mê mẩn những ca khúc về Trường Sa. Tú Lan còn thuộc và hát rất hay bài “Gần lắm Trường Sa”. Trong mắt cô học trò, Trường Sa là nắng gió, là vị mặn mòi của biển khơi, là những cán bộ chiến sĩ ngày đêm phải đối mặt với bao khó khăn từ thiên nhiên khắc nghiệt. Có lẽ vì thế mà cô học trò luôn mang một tình yêu mãnh liệt với biển đảo. Cô nàng Gen Z cho hay, yêu biển đảo, cô đã tìm hiểu rất kỹ về huyện đảo Trường Sa. Đó là quần đảo gồm hơn 100 đảo, bãi ngầm, cồn cát, bãi đá san hô… bao bọc một vùng biển rộng hàng trăm nghìn km2. Quần đảo được chia thành nhiều cụm như: Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên… Mưa nắng, bão tố rất khắc nghiệt nhưng vùng biển đảo và quần đảo Trường Sa có vị thế chiến lược quan trọng, vô cùng tươi đẹp, giàu tiềm năng kinh tế biển…Tú Lan tâm sự: “Em sống ở đất liền, ở Thủ đô Hà Nội nên càng khao khát được đặt chân đến Trường Sa, để hít hà cái vị mặn chát của những luồng gió biển, những cơn sóng dạt dào. Em biết rằng, Trường Sa hùng vĩ, nên thơ có cả sự hi sinh, vất vả của các chú bộ đội ngày đêm chắc tay súng giữ bình yên cho Tổ quốc. Mặc dù chưa lần nào được gặp hay nói chuyện với những người lính hải đảo nhưng hình ảnh các anh, các chú nơi xa xôi ấy với em rất đẹp”.
Mong ước của những người trẻ tuổi cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa như một phần máu thịt trong họ, Đối với họ biển đảo thiêng liên luôn chiếm trọn trái tim của mình. Hơn lúc nào hết, tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ đang được đẩy lên cao trào với quyết tâm khẳng định biển và đảo là một phần không thể tách rời của đất nước thân yêu.
Trước những diễn biến phức tạp đã và đang diễn ra trên Biển Đông, phản ứng của giới trẻ đang thể hiện những điều rất tích cực. Ủng hộ tuyên bố về chủ quyền của Nhà nước, giới trẻ Việt Nam lúc này đang rất quan tâm tới tình hình biển Đông. Thông qua các diễn đàn các bạn trẻ đã có nhiều hoạt động nhằm cổ động tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, giới trẻ Việt cũng đang tích cực kêu gọi hướng về biển Đông, vận động sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Phần lớn các bạn trẻ đều cho rằng: Hành động của Trung Quốc đang làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hữu nghị theo phương châm 16 chữ vàng mà lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Chính những hành động đầy thiết thực của các bạn trẻ, khiến chúng ta có cái nhìn đầy thiện cảm và một niềm tin vững chắc vào tương một tương lai bền vững, một nước Việt Nam toàn vẹn, độc lập, tự cường.