TS. Lương Thị Thúy Nga - Giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
TÓM TẮT
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Sinh viên Việt Nam, một bộ phận quan trọng của thanh niên Việt Nam, vừa là đội hậu bị tin cậy của Đảng trong sự nghiệp cách mạng nhưng cũng vừa là đối tượng mà các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Bồi dưỡng, phát huy vai trò, trách nhiệm của sinh viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới là một nội dung quan trọng.
Từ khóa: sinh viên, nền tảng tư tưởng, tình hình mới
MỞ ĐẦU
Sinh viên Việt Nam là một bộ phận của thanh niên Việt Nam. Họ là những người đang học tập trong các trường đại học, cao đẳng, là lứa tuổi có sự trưởng thành nhất định về mặt sinh học, tâm lý và xã hội. Sinh viên là lực lượng kế tục, phát huy nguồn trí tuệ nước nhà, là nguồn lực chủ yếu trong thời đại kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, đóng vai trò then chốt trong phát triển đất nước, là lực lượng to lớn trong việc giữ gìn và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
NỘI DUNG
Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thanh niên, sinh viên cũng là lực lượng xã hội quan trọng, một trong những nhân tố quyết định tương lai, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Không có thanh niên, các nhiệm vụ trọng đại của đất nước thật khó hoàn thành. Kế thừa những giá trị của Chủ nghĩa Mác – Lênin, trong quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh rất đề cao vị trí, vai trò của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước. Người coi thanh niên là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước: “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Thanh niên là lực lượng xung kích của cách mạng, là cánh tay đắc lực, đội hậu bị tin cậy của Đảng. Người viết: “trong mọi công việc thanh niên ta luôn luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng”. Đồng thời, thanh niên có vai trò rất lớn trong việc tổ chức, hướng dẫn, dìu dắt thiếu niên, nhi đồng, giúp các em học tập, vui chơi, lành mạnh. Người viết: “thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng”.
Cuộc cách mang công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin tạo ra những cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng tạo ra những mặt trái tác động đến giới trẻ. Sinh viên là lực lượng trẻ tuổi, lực lượng dự bị cho đội ngũ trí thức trong tương lai nhưng cũng là những người còn non nớt, thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động. Xã hội ngày càng phát triển, cơ hội giao lưu, hợp tác ngày càng được mở rộng, đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, sự du nhập các giá trị văn hóa, đạo đức từ bên ngoài sẽ mạnh hơn, nhanh hơn.
Một bộ phận không nhỏ sinh viên của sa đà vào thế giới ảo; thờ ơ với chính trị, phai nhạt niềm tin, lý tưởng; lập trường tư tưởng chưa vững vàng, nhận thức còn mơ hồ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống như: mất phương hướng phấn đấu; trong học tập còn có hiện tượng quay cóp, chạy điểm, chạy bằng, thờ ơ với các sinh hoạt đoàn thể; vì ngại khó, ngại khổ, nên thực dụng trong việc chọn ngành nghề; một số thích lối sống chạy theo đồng tiền, hưởng thụ, đua đòi, ăn chơi, buông thả, dẫn đến vi phạm pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức và sa vào các tệ nạn xã hội... Những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống này không chỉ gây nguy hại đến đời sống xã hội hiện tại, mà còn ảnh hưởng xấu đến tương lai của đất nước và bản thân sinh viên.
Ngày nay, việc sử dụng mạng xã hội đã là nhu cầu thiết thân của hầu hết sinh viên. Trong khi đa số sinh viên biết cách ứng dụng mạng xã hội để hỗ trợ cho việc học tập và sinh hoạt thì một bộ phận nhỏ sinh viên khác lại bị mạng xã hội dẫn dắt, không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của bản thân trên mạng xã hội, từ đó bị lôi kéo vào những hoạt động tiêu cực, gây ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác điều hành, quản lý của Nhà nước. Với nhiều mưu mô xảo quyệt, tinh vi, các thế lực thù địch muốn phủ nhận vai trò thanh niên nói chung, sinh viên nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng bằng thủ đoạn sử dụng Internet để đăng tải thông tin sai sự thật hoặc thông tin sai về bản chất lên các trang mạng xã hội để đánh lừa người đọc. Bên cạnh đó, chúng đưa ra các luận điệu xuyên tạc nhằm hạ thấp vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thanh niên, sinh viên; bôi xấu hình ảnh của cán bộ đoàn, làm giảm uy tín của các tổ chức thanh niên, sinh viên, tác động đến niềm tin của giới trẻ. Một số đối tượng đã trực tiếp len lỏi vào các ký túc xá, giảng đường, đến các hội thảo khoa học, sinh hoạt hướng nghiệp... lôi kéo, kích động, tụ tập đông người, phản ứng tập thể,... nhằm tạo ra sự bất ổn về chính trị, tư tưởng trong sinh viên. Thông qua các chương trình học bổng, hội thảo quốc tế, chúng còn tiếp xúc, lôi kéo số du học sinh ở nước ngoài tham gia các tổ chức phản động lưu vong; các tổ chức tôn giáo trá hình; lôi kéo du học sinh tụ tập đông người, phản ứng tập thể hoặc biểu tình gây rối.
Như vậy, bằng “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, các thế lực thù địch tấn công trên nhiều phương diện, nhưng tập trung chủ yếu trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, nhằm làm xói mòn niềm tin của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng, làm ảnh hưởng tới các giá trị đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Sinh viên chính là một trong những đối tượng trực tiếp của kẻ thù hướng tới. Kẻ thù lợi dụng những điểm yếu của sinh viên, dùng mọi thủ đoạn nhằm lôi kéo, kích động sinh viên xa rời cội nguồn, sống quay lưng lại với chế độ, với nhân dân, với dân tộc, khuyến khích sinh viên tìm đến sự hưởng thụ mà không có mục đích sống cao đẹp...
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng một bộ phận thanh niên hôm nay đang giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng và chạy theo lối sống thực dụng, do vậy cần phải tránh tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Những biểu hiện tiêu cực này của sinh viên hiện nay là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng và Nhà nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”. Để thực hiện nhiệm vụ đó, bản thân thanh niên phải không ngừng phấn đấu trong học tập và rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, có sức khỏe, có tri thức, có kỹ năng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và đặc biệt là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi biến động của hoàn cảnh. Vì vậy, công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị cho sinh viên trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đang đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Để phát huy được vai trò hạt nhân chính trị của sinh viên nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho sinh viên
Nhận thức chính trị của sinh viên là quá trình bồi đắp lâu dài, thông qua tuyên truyền, giáo dục những nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước… nhằm cung cấp cho học sinh, sinh viên những kiến thức chính trị, pháp luật cơ bản, từ đó xây dựng cơ sở khoa học cho nhận thức và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng đến xây dựng những thế hệ sinh viên có nhân cách trong sáng, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có đóng góp xứng đáng vào quá trình hội nhập và phát triển đất nước.
Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, trước hết sinh viên cần có sự hiểu biết về chính trị, thể hiện ở trình độ nhận thức sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và đặc biệt là tư tưởng Hổ Chí Minh – học Bác để vừa thỏa mãn niềm kính yêu Bác, vừa tự rèn mình, sửa mình.
Tiếp đó, sinh viên phải có tình cảm chính trị đúng đắn, thể hiện qua tinh thần yêu nước, yêu thương nhân dân, yêu Đảng, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa; trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; biết trân trọng, tri ân lớp lớp thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái sai, cái ác; căm thù các thế lực chống phá và làm tổn hại đến đất nước và nhân dân.
Sinh viên cũng cần rèn luyện ý chí cách mạng kiên định, không hoang mang dao động trước các diễn biến tạp và sự chống phá điên cuồng của thế lực thù địch, không nghe theo, không làm theo và không bị lừa gạt bởi những thông tin phản động, xuyên tạc đồng thời có niềm tin khoa học vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, vào sức mạnh của nhân dân và vào thắng lợi tất yếu của đất nước.
Hai là, tổ chức Đoàn, Hội sinh viên chủ động, sáng tạo trong tuyên truyền giúp sinh viên nhận diện rõ những quan điểm sai trái, thù địch.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho sinh viên về Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng cho sinh viên thật sáng tạo, linh hoạt, sinh động.
Việt Nam hôm nay đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, diện mạo quê hương thật sự khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, uy tín và vị thế quốc gia ngày càng được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là những minh chứng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiện nay, các quan điểm sai trái, thù địch rất đa dạng, thể hiện trên một số phương diện cụ thể:
- Phủ nhận, xuyên tạc và hạ thấp vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, qua đó phê phán và phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Với thủ đoạn đưa ra lập luận thiếu cơ sở khoa học như “Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời”, từ đó kêu gọi “từ bỏ học thuyết của Mác”, tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác-Lênin.
- Chỉ trích, phủ định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ và bóp méo lịch sử, vu cáo các lãnh tụ tiền bối, phủ nhận những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được. Các thế lực thù địch thường xuyên đẩy mạnh việc xuyên tạc, chống phá, cho rằng Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam “đã triệt tiêu các quyền tự do dân chủ”; phản đối Luật An ninh mạng; kêu gọi xoá bỏ nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa…
- Thổi phồng, tô đen những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước trong quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước. Các thế lực thù địch mạo nhận danh nghĩa những người cộng sản chân chính để cố tình bôi đậm những khuyết điểm đã được Đảng tự nhận, tự phê bình trong quá khứ, đồng thời tô vẽ và thổi phồng những thành tựu của chủ nghĩa tư bản với ý đồ hướng lái đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước theo con đường tư bản chủ nghĩa, từng bước xa rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
- Lợi dụng, bóp méo các sự kiện nhạy cảm; nói xấu, bịa đặt, xúc phạm đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên…nhằm gây bất ổn xã hội và làm mất lòng tin của nhân dân.
Vì vậy, cảnh giác và nhận diện được đâu là những quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với sinh viên nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Ba là, tăng cường và nâng cao chất lượng, nâng cao kỹ năng sử dụng không gian mạng và mạng xã hội của sinh viên Việt Nam
Tổ chức Đoàn, Hội xây dựng các chuyên trang định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên mạng xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để sản xuất các ấn phẩm, nội dung lý luận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay sinh viên Việt Nam có khả năng tiếp nhận thông tin nhanh chóng, nhạy bén với công nghệ hiện đại, cập nhật kịp thời sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số hóa, mạng xã hội và các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0. Mạng xã hội ra đời và phát triển với mục đích kết nối và chia sẻ thông tin dễ dàng hơn giữa các tổ chức, cá nhân với nhau về vấn đề, sự kiện nào đó, nhằm hướng tới sự phát triển chung của cộng đồng. Mạng xã hội nhanh chóng thu hút người sử dụng nhờ có đầy đủ các chức năng, tiện ích nổi bật như: trò chuyện, gửi tệp tin, chia sẻ video hình ảnh, gọi thoại, gọi video,… giúp cập nhật thông tin, sự kiện diễn ra xung quanh một cách nhanh chóng mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Mạng xã hội còn là nguồn thông tin hữu ích khổng lồ trên toàn thế giới.
Ngoài việc bồi dưỡng các kiến thức nền tảng, cần thường xuyên mở các lớp tập huấn cho sinh viên về kỹ năng sử dụng Internet và mạng xã hội trong hoạt động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, bản thân mỗi sinh viên cần tự trang bị những kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh khi sử dụng không gian mạng và mạng xã hội để có đủ sức tự đề kháng trước những thông tin bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, xây dựng lực lượng sinh viên nòng cốt về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
- Kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; xây dựng nhiều giải pháp thực tế, linh động và sáng tạo nhằm tạo ra sức đề kháng mạnh, đủ sức “miễn dịch” trước âm mưu và thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực chống phá.
- Thực hiện các hoạt động giáo dục, huấn luyện, tập hợp, nêu gương, khen thưởng, biểu dương học sinh, sinh viên nòng cốt về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch do tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên phối hợp với đội ngũ giảng viên chính trị trong các nhà trường chủ đạo triển khai.
- Nâng cao vai trò định hướng và kết nối rộng rãi, chặt chẽ học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như tổ chức các diễn đàn học tập, trao đổi kinh nghiệm về đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch trên không gian mạng;
- Lập các trang thông tin, fanpage; thu hút sinh viên tham gia thiết kế, truyền tải các thông điệp hấp dẫn về chủ nghĩa Mác - Lênin, về tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tấm gương người tốt việc tốt… có tác động lan tỏa toàn xã hội.
- Xây dựng mạng lưới các đội truyền thông ở các nhà trường trên cả nước chuyên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng với lực lượng nòng cốt là sinh viên, thanh niên, trí thức trẻ, được đào tạo chuyên sâu về kiến thức và kỹ năng trong nắm tình hình, nhận diện các thông tin sai trái, thù địch, đồng thời tuyên truyền những thông tin chính thống có tính định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng và sự kiện lịch sử lớn của đất nước.
- Đội ngũ giảng viên chính trị trong các nhà trường cần chủ động đề xuất và thực hiện các nội dung ngoại khóa liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chương trình của các môn Lịch sử, Giáo dục Công dân, Chính trị, Pháp luật, Công nghệ thông tin…,tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch định kỳ.
Năm là, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội. Người nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…”.Điều đó, vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến việc nêu gương của người thầy. Người thường dặn dò, các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học trò noi theo.
Hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trong quá trình giảng dạy của giảng viên chỉ thực sự có chất lượng, hiệu quả khi bản thân từng giảng viên phải biết trau rồi thi thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống hằng ngày. Để làm được điều đó, giảng viên phải nắm vững được bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, những nhận thức mới về thời đại. Giảng viên cần lựa chọn đúng những vấn đề sinh viên đang cần, từ đó lý giải những vấn đề cuộc sống đặt ra. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo đạo đức. Mỗi giảng viên phải trở thành tấm gương về lòng yêu nước, yêu thương con người, đời sống khiêm tốn, giản dị, có ý chí và nghị lực vươn lên.
KẾT LUẬN
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Đây là trách nhiệm của cả xã hội, trong đó có sinh viên.
Phát huy vai trò sinh viên không những góp phần vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng mà còn góp phần phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22 tháng 10 năm 2018.
2. Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2019), Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.131.
3. Nguyễn Tiến Đạt - Nguyễn Viết Tiến (2021), xây dựng ý thức chính trị cho sinh viên trong các trường đại học ở việt nam hiện nay: thực trạng và giải pháp, Tạp chí Giáo dục lý luận.