Chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo tinh thần đại hội XIII của Đảng

Th.S. Nguyễn Thị Thu Hằng – BM. LSĐ-TTHCM

Về lý thuyết, chuẩn mực bắt nguồn từ giá trị, là sự hiện thực hóa của cá giá trị trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế sự phân biệt giữa giá trị và chuẩn mực thường không đơn giản. Có những yếu tố là giá trị trong mối quan hệ này nhưng đồng thời lại là chuẩn mực trong hoàn cảnh khác. Ví dụ, chung thủy là giá trị khi chúng là cầu nối cho hành vi ứng xử giữa vợ - chồng trong mối quan hệ gia đình nhưng đồng thời nó là chuẩn mực chọ vợ, chồng trong gia đình với mục tiêu hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc. Do vậy, một hiện tượng có thể là giá trị trong mối quan hệ này nhưng lại là chuẩn mực trong mối quan hệ khác. Trong nghiên cứu về chuẩn mực con người Việt Nam, có nhiều phương diện để tiếp cận và chỉ ra những chuẩn mực của con người như: trong mối quan hệ gia đình, trong quan hệ cộng đồng, quan hệ quốc gia – dân tộc và quan hệ quốc tế. Ở mỗi bình diện đó, các giá trị chuẩn mực con người Việt Nam lại được xác định với các yếu tố cụ thể. Mối quan hệ lớn nhất và chung nhất dù nghiên cứu ở khía cạnh nào cũng là tất cả các chuẩn mực đó đều hướng tới xây dựng con người Việt Nam tốt đẹp, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Ở đây, với mục tiêu hướng tới thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nghiên cứu chỉ ra những chuẩn mực chung nhất của con người Việt Nam từ góc độ giá trị quốc gia – dân tộc được đưa ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đó là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn và phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia – dân tộc, kết hợp nhuần nhuyền giữa giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”[1]. Cụ thể như sau.

1. Yêu nước

Yêu nước đã trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của con người Việt Nam, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trường kỳ lịch sử dân tộc Việt Nam, đây là giá trị đứng đầu trong bảng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nếu yêu nước truyền thống đó là tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc thì yêu nước ngày nay được cụ thể hóa trong trách nhiệm, việc làm của mỗi công dân đối với đất nước như là:

- Luôn đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc lên trên hết, vì độc lập, tự do, chủ quyền dân tộc và vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

- Chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Thực hiện nghĩa vụ của công dân theo luật định trong đó có việc đóng góp ý kiến nhằm góp phần xây dựng chính sách của Đảng, Nhà nước theo khả năng và thẩm quyền.

- Không làm tổn hại đến uy tín, danh dự, lợi ích của quốc gia, dân tộc.

- Đóng góp vào việc xây dựng quê hương, đất nước bằng năng lực cá nhân và thông qua việc làm cụ thể.

- Thấm nhuần tinh thần tự tôn dân tộc nhưng cũng đồng thời thấm nhuần tinh thần công dân toàn cầu, vì sự tiến bộ của nhân loại.

2. Đoàn kết

Đoàn kết cũng là một trong những giá trị quý báu của dân tộc ta đã được hình thành và phát triển qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đoàn kết trong truyền thống đó là sự gắn kết giữa nhiều người, nhiều thế hệ, nhiều giai tầng trong xã hội để tạo thành một khối rộng lớn với sức mạnh vĩ đại để đập tan âm mưa xâm lược của các thế lực thù địch và để phát huy sức mạnh nội lực của dân tộc như Hồ Chí Minh nói: Đoàn kết, đoàn kết, địa đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Đoàn kết ngày nay vẫn là sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng xã hội chung và sự thỏa mãn các khía cạnh cụ thể như:

- Coi trọng sự tương đồng và hạn chế sự tương khắc theo tinh thần “cầu đồng tồn dị”.

- Biết lắng nghe, tôn trọng, họ hỏi, có tinh thần cầu thị, tránh sự kỳ thị, hiềm khích.

- Mọi thành viên trong xã hội đều dân chủ và bình đẳng trước hiến pháp và pháp luật.

- Có tinh thần khoan dung, vị tha, độ lượng.

- Có tinh thần cộng sinh, cộng tồn.

- Không có sự kéo bè, kéo cánh, chia rẽ, cục bộ.

3. Tự cường

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc coi trọng và phát huy tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc. lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam cũng đã chứng minh cho sức mạnh to lớn của dân tộc và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân ta. Nếu như trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng phải “đem sức ta mà giải phóng cho ta” hay “dựa vào sức mình là chính” thì ngày nay, ý chí tự cường để phát triển đất nước lại càng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đối với con người Việt Nam, tự cường đã trở thành một chuẩn mực cao quý và đã phát huy, trở thành sức mạnh to lớn của dân tộc. Tự cường đối với mỗi con người cụ thể đó là:

- Sự tự chủ, tự lực cách sinh, tự vượt khó vươn lên, không ỷ lại, bị động, an phận.

- Có chí tiến thủ, ham học hỏi, có khát vọng vươn lên.

- Làm chủ bản thân, cuộc sống và để hướng tới làm chủ xã hội.

- Không bi quan trước những thất bại, lấy thất bại là động lực thúc đẩy để có những cố gắng vì mục tiêu mới.

4. Nghĩa tình

Nghĩa tình là một trong những truyền thống, một giá trị tinh thần cơ bản của dân tộc Việt Nam. Lối sống trọng tình và tư duy duy tình được thấm sâu vào các mối quan hệ của con người từ gia đình – làng xóm – cộng đồng xã hội; trong sinh hoạt – sản xuất và trong chiến đấu. Nghĩa tình cũng tương tự như nói về long nhân ái của con người. Đây là cơ sở quan trọng để thiết lập mối quan hệ giữ người với người. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, song đến nay nghĩa tình vẫn là chuẩn mực cần phải được gìn giữ và phát huy trong xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Về cơ bản, nghĩa tình với tư cách là chuẩn mực con người Việt Nam được thể hiện qua những đặc điểm như:

- Sự giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần nhân ái, nhân nghĩa không vì lợi ích cá nhân.

- Sự biết ơn khi được giúp đỡ và biết trả ơn.

- Lòng hiếu thảo.

- Trọng nghĩa, hợp tình, hợp lý trong hành động.

- Sự chung thủy.

5. Trung thực

Là sự ngay thẳng, thật thà, luôn nói lên sự thật, luôn tôn trọng lẽ phải, biết đấu tranh để phên phán cái sai, bảo vệ lẽ phải. Do đó, người có tính trung thực sẽ nhận được sự tin tưởng từ người khác, được coi trọng và tín nhiệm. Người có tính trung thực sẽ ko làm những điều trái với lương tâm, đạo đức. Vì vậy, họ sẽ nhận được sự kính trọng của mọi người trong xã hội. Những biểu hiện cơ bản của phẩm chất trung thực đó là:

- Tôn trọng sự thật và biết đấu tranh chống những điều sai trái để bảo vệ sự thật.

- Tôn trọng lẽ phải.

- Không giấu diếm hoặc bóp méo sự thật.

- Không gian dối trong hành vi và lời nói.

- Thẳng thắn, chính trực, thật thà.

- Trung thực với mọi người và với bản thân.

6. Trách nhiệm

Trách nhiệm trước hết là biết tự ý thức về bản thân, công việc của bản thân mình, về nhiệm vụ được giao để hoàn thành công việc. Công việc được thực hiện thì bản thân phải có trách nhiệm với kết quả dù xấu hay tốt. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tính trách nhiệm gắn liền với tính tự giác. Những biểu hiện cụ thể của chuẩn mực này đó là:

- Có trách nhiệm với công việc được giao, luôn nỗ lực để hoàn thành công việc với kết quả cao nhất.

- Có trách nhiệm với bản thân, với những người xung quanh trong các mối quan hệ.

- Có trách nhiệm với kết quả công việc, hành vi của bản thân trong mọi hoàn cảnh.

7. Kỷ cương

Là tính có kỷ luật trong công việc, cuộc sống của mỗi người. Những biểu hiện của tính kỷ cương đó là:

- Chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; quy định của địa phương, cộng đồng dân cư sinh sống.

- Có kỷ luật trong lao động theo các quy định của cơ quan, đơn vị.

- Tự do trong khuôn khổ quy định của Pháp luật, tránh dân chủ quá trớn.

8. Sáng tạo

Sáng tạo là một trong những chuẩn mực quan trọng của con người Việt Nam. Đây là quá trình con người tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần trên cơ sở của tư duy mới và cách làm mới. Về cơ bản, sáng tạo được hiểu là khả năng giải qyết vấn đề của con người bằng phương pháp/cách làm mới và đạt được kết quả tốt so với cách làm/phương pháp đã có. Sự sáng tạo được đánh giá dựa trên sự phù hợp của nó với thực tiễn và tính mới so với cái đã có. Những dấu hiệu để nhận biết sự sáng tạo như:

- Có tư duy độc lập, tự chủ, phản biện, có ý thức luôn muốn khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh, có cách nghĩ, cách làm khác với cái hiện có.

- Nhanh nhẹn, năng động, luôn cập nhật những thông tin mới.

- Cải tiến về cách làm, có sáng kiến, phát minh mới…

- Đổi mới, cải cách trong suy nghĩ và hành động.

Tám giá trị trên được xem là những giá trị cốt lõi, cơ bản của chuẩn mực con người Việt Nam. Ngoài ra, chuẩn mực con người Việt Nam còn có những giá trị khác như hiếu học, khỏe mạnh, kiên cường, dũng cảm, thông minh, khoan dung v.v. Những giá trị đó vừa mang yếu tố truyền thống, vừa mang yếu tố hiện đại được gìn giữ qua các thế hệ người và phát triển cho phù hợp với thời đại ngày nay.

Toàn cầu hóa, quốc tế hóa đang là xu thế tất yếu trong bối cảnh phát triển của thế giới hiện nay. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa để thiết lập và nâng cao mối quan hệ sâu rộng với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tiến trình ấy mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những nguy cơ, thách thức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, đối với sự phát triển của xã hội hiện đại, sự sa sút và phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận người thậm chí cả việc phai nhạt, đánh mất bản sắc văn hóa, dân tộc đang là một trong những nguy cơ lớn đối với sự phát triển của quốc gia hiện nay. Do đó, việc khơi dậy và phát huy hệ giá trị con người Việt Nam mà cốt lõi là xây dựng những chuẩn mực con người Việt Nam là vấn đề quan trong nhằm phát huy mạnh mẽ nguồn nội lực của dân tộc để phát triển đất nước trước những yêu cầu của tình hình mới.



[1] Phát hiểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn