PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA SINH VIÊN VIỆT NAM TRONG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO CỦA TỔ QUỐC

Tống Thị Phương Thảo

Bộ Môn Chủ nghĩa Mác – Lênin

Biển, đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Biển đảo là một vùng địa lý đem lại cho mỗi quốc gia rất nhiều nguồn lợi, đặc biệt vùng biển có nhiều khoáng sản lại càng giá trị hơn nữa. Không phải quốc gia nào cũng có biển, không phải biển của đất nước nào cũng có nguồn tài nguyên khổng lồ. Trong đó, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi dành tặng cho một vùng biển khiến nhiều quốc gia phải ao ước.
Hiện nay, tình hình Biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam có những diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với cả hệ thống chính trị, các ngành, các lực lượng, trong đó có sinh viên Việt Nam – là thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, đông đảo, mạnh mẽ, có vai trò xung kích trong mọi nhiệm vụ của đất nước. Hơn lúc nào hết đây là lúc để các thế hệ sinh viên Việt Nam phát huy tinh thần dân tộc vào công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước nhà. Bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền, sinh viên Việt Nam cần phải tiếp tục gìn giữ và phát triển những tiềm năng của biển đảo Việt Nam rồi đưa tiềm năng ấy vươn cao trên thị trường quốc tế, củng cố vị trí của Việt Nam giữa các quốc gia trên thế giới để giúp đất nước ngày càng đi lên trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Thứ nhất, sinh viên Việt Nam với sức mạnh là tri thức nên cần dùng tri thức như là vũ khí để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Vì vậy, trước khi hành động cần nâng cao nhận thức. Mỗi sinh viên cần nghiên cứu và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biển, đảo và giá trị to lớn của chủ quyền mà ông cha ta đã đổ xương máu để xây dựng. Các thế hệ sinh viên cần tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, lịch sử liên quan đến chủ quyền biển, đảo và đặc biệt là lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam… đồng thời tìm hiểu các chứng cứ khoa học, pháp lý cũng như các chính sách ngoại giao nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông. Để làm được điều này, chúng ta cần thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho sinh viên về vai trò, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức giảng dạy trong các trường học, lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục, những tiết học về lịch sử, địa lý; tổ chức các cuộc hội thảo sinh viên; khuyến khích sinh viên tham gia vào các chương trình tuyên truyền trong cộng đồng… Đồng thời, cần tổ chức cho sinh viên tham gia tìm hiểu về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế để các thế hệ sinh viên hiểu và nắm vững các vùng, khu vực thuộc chủ quyền có lịch sử lâu đời của Việt Nam cũng như chủ quyền và quyền chủ quyền đối với biển, đảo Việt Nam được xác lập trên cơ sở các điều khoản quy định trong Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982; khẳng định, củng cố niềm tin cho nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế nói chung cũng như đối với sinh viên Việt Nam nói riêng về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thứ hai, cần tiếp tục củng cố niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong sinh viên, để từ đó biến ý chí thành hành động thiết thực. Đây cũng là một công việc quan trọng, góp phần vào thực hiện thắng lợi vai trò của sinh viên Việt Nam với các nhiệm vụ được giao. Để củng cố niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí cho sinh viên, phải tăng cường công tác tuyên truyền để sinh viên thấy rõ thực lực, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của ta; nắm vững tư tưởng, phương châm chỉ đạo giải quyết các vấn đề về biển đảo của Đảng. Qua đó, giúp cho sinh viên có được những nhận thức đúng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, nhất là vấn đề biển, đảo.
Công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia trên biển cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương trong việc phát huy các tổ chức, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền và gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống, các bài học kinh nghiệm và gương các anh hùng trong kháng chiến chống xâm lược trong học sinh, sinh viên. Thông qua các cuộc vận động và chương trình hành động của sinh viên với cách làm thiết thực, như: “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Tuổi trẻ hướng về biển, đảo của Tổ quốc”… Phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường, xã hội (nhất là Đoàn Thanh niên) và các hoạt động văn hoá, các phương tiện thông tin đại chúng tạo sức mạnh tổng hợp, hướng các thế hệ sinh viên chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ ba, cần xây dựng quyết tâm và định hướng hành động cho các thế hệ sinh viên nhằm phát huy tối đa vai trò của sinh viên đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để xây dựng quyết tâm cho sinh viên, cần làm cho sinh viên thấy được sự khó khăn, gian khổ ở cả mặt trận pháp lý và ngoại giao trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương (đặc biệt là ở một số đảo có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh như: quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…), đòi hỏi sinh viên phải dũng cảm, mưu trí, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên quyết đứng lên bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt là đối với sinh viên – là thế hệ trẻ cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia, khoa học trẻ hội tụ đủ phẩm chất đạo đức và tài năng thực hiện công tác nghiên cứu khoa học (lịch sử, pháp lý) về biển, đảo để sẵn sàng đấu tranh trên cả mặt trận pháp lý, ngoại giao.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần về thăm Bộ đội Hải quân vào năm 1961 đã từng nói: “Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Thật vậy, mỗi một vùng trời, vùng biển đều là lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của tổ quốc Việt Nam. Sinh viên Việt Nam - đại diện cho sức mạnh của dân tộc cần phấn đấu, rèn luyện, học tập không ngừng nghỉ để thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình đó là: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương bằng một trí tuệ thông minh và một trái tim đầy nhiệt huyết.

1. https://tuoitrebtp.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=4529&l=Tintucsukien

2. https://vieclam.hoisinhvien.com.vn/cam-nang/moi-nhat/vai-tro-cua-thanh-nien-hoc-sinh-trong-viec-bao-ve-chu-quyen-bien-dao-que-huong.35a54999/vi

3. https://bacninh.gov.vn/news/-/details/20182/bao-ve-chu-quyen-bien-ao-viet-nam-va-trach-nhiem-cua-the-he-tre-hom-nay

4. https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-bien-dao-vn/-/asset_publisher/YiOFlAxwJhRr/content/19-hoc-sinh-sinh-vien-viet-nam-can-co-y-thuc-va-trach-nhiem-nhu-the-nao-trong-su-nghiep-bao-ve-chu-quyen-bien-ao-cua-ta-tren-bien-ong-

Tin mới hơn

Tin cũ hơn