CỐ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG - TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG ĐƯƠNG THỜI

 

Tác giả: ThS. Trương Vũ Long

Đơn vị: Bộ môn Chủ nghĩa Mác – Lênin, Khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng

Cách đây 65 năm, vào tháng cuối cùng của năm 1958, trong khi đất nước đang tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, phát triển kinh tế và văn hóa, tạo cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958, trong đó nhấn mạnh, đạo đức cách mạng giống như nguồn của sông, như gốc của cây, như bốn mùa của trời, bốn phương của đất. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức (trong 4 đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính) thì không thành người. Đạo đức cách mạng là thước đo chất người, trình độ người của con người; là gốc, nền tảng của người cách mạng. Theo Bác, muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì. Người cách mạng phải có đạo đức. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân.

            Ngày 19 tháng 12 năm 1967, một thanh niên ưu tú đã bước những bước đầu tiên để trở thành một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo lỗi lạc, chân chính, một nhân cách lớn của dân tộc, một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Và 57 năm sau người cộng sản kiên trung ấy đã để lại một di sản to lớn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và hơn hết là một tấm gương mẫu mực về sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

 Cuộc đời và sự nghiệp của Cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nguồn cảm hứng cho mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện, là nền tảng và cơ sở vững chắc công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đặt nền móng cho sự phát triển của một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc trong tương lai.

  1. I.       Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng

            Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nêu một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thống kê trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại có tới gần 50 bài và tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức. Có thể nói, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng.

            Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Quan niệm lấy đức làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh những chuẩn mực chung nhất của nền đạo đức cách mạng Việt Nam gồm những điểm sau:

            Một là, trung với nước hiếu với dân.

            Đây là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất và chi phối các phẩm chất khác.

Từ khái niệm cũ "trung với vua, hiếu với cha mẹ" trong đạo đức truyền thống của xã hội phong kiến phương Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào đó một nội dung mới, phản ánh đạo đức ngày nay cao rộng hơn là “Trung với nước hiếu với dân”. Đó là một cuộc cách mạng trong quan niệm đạo đức. “Trung với nước hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Câu nói đó của Người vừa là lời kêu gọi hành động, vừa là định hướng chính trị-đạo đức cho mỗi người Việt Nam không phải chỉ trong cuộc đấu tranh cách mạng trước mắt, mà còn lâu dài về sau

            Hai là, yêu thương con người

            Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con người rất toàn diện và độc đáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Tình yêu thương con người thể hiện cụ thể bằng việc “yêu nước, thương nòi”, đồng cảm và quan tâm sâu sắc đến đời sống của nhân dân, đồng bào, đồng chí và những con người bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới. Tình yêu thương con người trong đạo đức của người cách mạng là tình đồng chí chân chính, sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng bào bằng cả sự chân thành, cao cả.

            Ba là, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

            Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì: Cần tức là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ "lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta".

            Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của dân, của nước, của bản thân mình; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to; "không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi", không phô trương hình thức, không liên hoan, chè chén linh đình.

            Liêm tức là "luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân"; "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân". Phải "trong sạch, không tham lam". "Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá".

            Chính, "nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn". Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình.  Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà.

            Chí công vô tư, Người nói: "Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc". “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; phải "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ".

            Bốn là, tinh thần quốc tế trong sáng.

            Đó là, tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên bằng mệnh đề "Bốn phương vô sản đều là anh em"; là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp bằng hoạt động cách mạng thực tiễn của bản thân mình và bằng sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc.

  1. II.   Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Tấm gương về đạo đức cách mạng đương thời
  2. 1.      Một đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng, suốt đời phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân    

            Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

            Được kết nạp vào Đảng ngày 19/12/1967, khi vừa 23 tuổi và đang học năm thứ tư Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kể từ đó, người đảng viên Nguyễn Phú Trọng đã ý thức rất cao về sự tu dưỡng, rèn luyện bản thân với một định hướng đẹp và không lay chuyển, như lời một bài hát, lời thơ mà nhiều lần Cố Tổng Bí thư nhắc đến: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương, nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sảnˮ và "Còn một giây, một phút tàn hơi; Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi!”.

            57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; trong mọi hoàn cảnh luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản kiên cường; kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tính tiền phong, gương mẫu, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện; sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào, đồng chí.

Trải qua nhiều cương vị quan trọng do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ khóa VII đến khóa XIII), Ủy viên Bộ Chính trị (từ khóa VIII đến khóa XIII), Tổng Bí thư (từ khóa XI đến khóa XIII), Chủ tịch nước (từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2021), Chủ tịch Quốc hội (khóa XI, XII), Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến rất to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những cống hiến lớn đối với công cuộc phát triển đất nước, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, thực hiện chiến lược về bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Thế nhưng, là người sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực và chân thành, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khi nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng vẫn chỉ nhận rằng: “tất cả những gì tôi đã làm là vô cùng nhỏ bé so với công lao giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đảng viên đi trước; sự cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những cơ quan - nơi tôi từng học tập, công tác và làm việc." Với những công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng và tinh thần trách nhiệm cao với công việc và nhiệm vụ được giao, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người nhân hậu, giàu tình cảm. Tôn chỉ suốt đời của đồng chí là phục vụ quốc dân, đồng bào, lấy nhân dân làm gốc. Mọi chủ trương, đường lối mà đồng chí theo đuổi đều xuất phát từ lòng yêu nước, thương nòi, khao khát muốn đưa nhân dân ta vươn lên thoát khỏi cái nghèo khó để có được cuộc sống ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng khi có thời gian rảnh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn không quên tình làng nghĩa xóm ở nơi mình sinh ra. Bằng những hành động hỏi thăm nhỏ bé nhưng ấm áp tình người, cho chúng ta thấy đồng chí là một vị lãnh đạo giàu tình cảm. Đối với đồng nghiệp, bạn bè, thầy cô giáo của mình, đồng chí vẫn luôn duy trì liên lạc, hỏi thăm và tôn trọng. Nhà báo Dương Đức Quảng từng kể rằng, khi là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn lặng lẽ nhờ người chở mình đi xe máy về thăm Khoa Văn trong sự xúc động của thầy cô và bè bạn. Vẫn chỉ coi mình là một người học trò trở về thăm trường, thăm thầy cô, bè bạn, người cựu học trò năm xưa không hề khoa trương mà rất đỗi gần gũi, bình dị. Và ngay cả khi là Tổng Bí thư, phong cách đó cũng vẹn nguyên khi về dự gặp mặt lớp cũ: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn... Chức tước như phù vân!”.

Cho đi sẽ được nhận lại, tình cảm chân thành, nồng ấm của cố Tổng bí thư đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân, bạn bè, đồng nghiệp và thầy cô giáo, để đến khi đồng chí ra đi, cả đất nước đem lòng kính cẩn, thương tiếc khôn nguôi. Hàng vạn người dân xếp hàng tiễn đưa nhà lãnh đạo có trái tim nồng ấm, bà con chòm xóm khóc thương người con ưu tú của quê hương, bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô giáo không khỏi rung động nghẹn ngào. Có thể nói, tấm lòng nhân ái của cố tổng bí thư là hiện thân của tình cảm yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của mỗi con người Việt Nam.

  1. 2.      Một con người có đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư 

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là minh chứng sống động cho 4 đức tính quý báu của đạo đức cách mạng, đó là cần, kiệm, liêm, chính.

            Cố Tổng bí thư sinh ra trong một gia đình ở vùng nông thôn nghèo, từ khi còn nhỏ đã có đức tính cần cù, chịu khó, rèn luyện ý chí vươn lên trong học tập. Bạn đồng môn với cố Tổng bí thư ông Vương Khắc Côn (81 tuổi, ở xóm 7, thôn Lại Đà) chia sẻ: “Ngày chúng tôi còn bé, thiếu thốn mọi thứ. Tuổi thơ của chúng tôi là những bữa cơm trộn với củ khoai, củ sắn, đi học về đói vặt cà chua ương ăn cho ấm bụng, những buổi chiều cùng nhau tắm sông". Trong ký ức của ông Côn, ngay từ những năm cấp 1, cậu bạn học Nguyễn Phú Trọng luôn là một trong những học sinh giỏi của lớp, được bạn bè, thầy cô quý mến. Học hết cấp 2, ông Côn và cố Tổng Bí Thư cùng theo học lên cấp 3 nhưng không còn chung trường. Mặc dù trường cách nhà gần 10km, nhưng cả hai đều phải đi bộ vì "nhà đứa nào cũng nghèo rớt mùng tơi".

Khi đã trở thành sinh viên, điều kiện học tập và hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bối cảnh đấy nước còn nhiều thách thức, đức tính cần cù, chịu khó vươn trong học tập của Cố Tổng bí thư lại được tôi rèn hơn nữa. Ông Ngô Bá Dục bạn học của cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Thời đó, việc đi học rất vất vả. Gia đình chỉ cho chừng 15 đấu gạo, còn tiền tiêu phải tự lo. Chúng tôi bơi ra bãi sông Hồng, vớt củi về phơi khô đun nấu. Buổi chiều học xong, tôi và anh Trọng lại vào Khu công nghiệp Đức Giang dạy bổ túc cho công nhân kiếm tiền. Lúc đó, tôi một lớp, anh Trọng một lớp, được đồng nào tiết kiệm chút ấy”. Có thể nói, quá trình học tập và rèn luyện của đồng chí Cố Tổng bí thư đã phản ánh chân thực sự chịu thương, chịu khó của cả một thế hệ người Việt Nam với khao khát xây dựng quê hương, đất nước.

Trong học tập, đồng chí Cố Tổng bí thư siêng năng, cần cù là vậy, trong công việc lại càng nghiêm cẩn và chăm chỉ hơn. Suốt quá trình công tác, dù ở vị trí công việc nào, đứng ở cương vị nào, đồng chí cũng cho thấy một tấp gương sáng về tinh thần làm việc hăng say, dốc hết tâm trí, quên mình đóng góp xây dựng cho đơn vị, tổ chức và phụng sự đất nước.

 30 năm gắn bó với nghề báo ở Tạp chí Cộng sản, Cơ quan lý luận và chính trị hàng đầu của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Nguyễn Phú Trọng được đồng nghiệp quý trọng. Sự nghiệp báo chí của đồng chí gắn liền với sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Từ những năm 1967 đến 1997, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực… với tất cả sự trải nghiệm và tâm huyết của mình.

Trên cương vị người đứng đầu Hội đồng lý luận Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn cho thấy hình ảnh của một nhà lý luận tận tụy, siêng năng. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy lý luận sắc bén và tinh thần cách mạng tiến công, đồng chí đã có nhiều công trình hết sức sâu sắc, có giá trị lý luận, thực tiễn và hành động cao về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã”; “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”; “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng”; “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam”; “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…

Trên cương vị là bí thư thành ủy của Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ đề xuất nhiều chủ trương đúng, và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với phong cách dân chủ, quyết liệt, tạo nên những chuyển biến tiến bộ rõ rệt của Thủ đô. Trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn là người cần mẫn, tỉ mỉ trong mọi vấn đề, luôn đi sâu, đi sát thực tiễn. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, đồng chí đã có hàng trăm cuộc thị sát địa phương, tiếp xúc cử tri, thăm hỏi đời sống của nhân dân. Đồng chí không quản ngại khó khăn, đến với những địa phương khó khăn nhất, xa xôi nhất của tổ quốc, để lại ấn tượng về một người lãnh đạo gần gũi, chất phác nhưng hiệu quả, thẳng thắn trong công việc.

Giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, dù gánh trọng trách nặng nền trên vai, nhưng đồng chí đã có những chủ trương mạnh mẽ, quyết đoán trong việc nâng cao hiệu quả công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với trí tuệ uyên bác, bản lĩnh vững vàng nhờ dày công nghiên cứu lý luận cùng sự xông pha trong thực tiễn, đồng chí đã quyết tâm tạo sự đột phá trong công cuộc phòng chống tham nhũng với chiến dịch “Đốt lò” lịch sử. Khi đảm nhiệm cả vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã gần 75 tuổi, trong lúc chiến dịch phòng chống tham nhũng đang ở giai đoạn cam go, nhưng với khả năng làm việc phi thường của mình, đồng chí không những chèo lái một cách vững vàng công việc của Đảng, công việc trong nước mà còn thực hiện một chiến lược ngoại giao “cây tre” đầy khôn khéo. Với những cống hiến của mình, đồng chí Nguyễn Phú trọng đã để lại một nền tảng vững chắc về cả lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp xây dựng Đảng và chiến lược phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong những ngày tháng cuối cùng khi phải điều trị tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cố Tổng bí thư vẫn làm việc không ngơi nghỉ. Thiếu tướng Lê Hữu Song, giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108, chia sẻ: “Trong suốt quá trình điều trị, mặc dù có mệt nhưng Tổng bí thư vẫn luôn cố gắng, tập từng bước để sức khỏe bình phục trở lại. Có lúc mệt mỏi không muốn ăn, nhưng ông vẫn cố gắng ăn theo tiêu chuẩn để có được sức khỏe tiếp tục làm việc. Đặc biệt, trong những ngày cuối sức khỏe yếu dần đi, Tổng bí thư vẫn duy trì cường độ làm việc. Ấn tượng đó khiến mọi người thấy mình quá nhỏ bé".

Là người trực tiếp chăm sóc cho Tổng bí thư nhiều năm qua, PGS.TS Nguyễn Phương Đông kể, khoảng 9h - 9h30 sáng hằng ngày, Tổng bí thư nghe các trợ lý, thư ký báo cáo tình hình công việc. Từ sau 10h30 và buổi chiều, Tổng bí thư dành thời gian tiếp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Khi nào thấy sức khỏe tốt, Tổng bí thư ngồi đọc tài liệu, nghiên cứu tài liệu. "Ông đã làm việc cho tới hơi thở cuối cùng. Ngày 13-7, ông vẫn làm việc nhưng chiều chúng tôi phải đặt ống thở máy. Giây phút cuối cùng biết không thể cứu ông, chúng tôi cảm thấy mình như sắp xa một người cha, một người ruột thịt, nhiều người bật khóc. Chúng tôi thấy rất buồn, trống vắng, hụt hẫng, tiếc thương như mất đi điều gì đó thiêng liêng không thể tả nổi", PGS.TS Đông tâm sự.

Có thể nói, sự nghiệp của Cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng ngời cho nghị lực, ý chí cách mạng bền bỉ, suốt đời cống hiến sức lực, trí tuệ để phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc.  Cố Tổng Bí thư đã mượn mấy lời thơ của nhà thơ Tố Hữu để bày tỏ:

“Còn một giây, một phút tàn hơi

Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi”.

Bên cạnh sự tận tâm với công việc, đồng chí Nguyễn Phú trọng cũng là một con người giản dị, một nhà lãnh đạo liêm khiết, chính trực. Những phẩm chất quý giá đó thể hiện trong đời tư trong sáng, tư tưởng và hoài bão to lớn của ông.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người cụ thể hóa văn hóa tiết kiệm trong Đảng và Nhà nước, đồng thời là một tấm gương về sự tiết kiệm đối với toàn Đảng, toàn dân. Trong những nhiệm kỳ làm Tổng bí thư, đồng chí luôn chỉ đạo công tác tổ chức các kỳ đại hội, các kỳ họp phải thực hiện theo hướng an toàn, tiết kiệm, tránh tiệc tùng, lãng phí. Trong suốt quãng thời gian đồng chí giữ cương vị Tổng bí thư, đồng chỉ chỉ sử dụng chiếc xe cũ từ năm 1998, với phương châm còn tốt thì không cần phải thay, tiết kiệm cho Nhà nước và cho nhân dân. Đồng chí cũng nhiều lần xuất hiện với những bộ vest đã sử dụng nhiều năm, thậm chí có những chiếc áo khoác đã sờn chỉ, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự chỉnh chu, gọn gàng. Với vị trí của mình, đồng chí Cố Tổng bí thư hoàn toàn có thể được hưởng những chế độ đặc biệt, tốt nhất, đẹp nhất, tối tân nhất. Tuy nhiên thực tế khiến nhiều người bất ngờ. Văn phòng của đồng chí Cố Tổng bí thư từng làm việc chỉ là một căn phòng đã cũ, với bộ bàn ghế giản dị, thậm chí những bức tường đã xuống cấp còn chưa kịp sửa sang. Nhưng đó là nơi đã đưa ra những chủ trương, quyết sách lớn lao và quan trọng hàng đầu của Đảng.

Trong lịch sử công tác của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn luôn có sự giản dị, tiết kiệm. Trong thời gian làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí đã có quan điểm chỉ đạo "1 gọn, 3 không". Một gọn, đó là, tất cả các thành viên trong đoàn công tác đi chung trên một chiếc xe ca (lãnh đạo các cấp không đi mỗi người một xe con như trước). Như vậy đoàn công tác chỉ có xe dẫn đường, xe Chủ tịch, xe báo chí và xe ca (bớt đi được 5-6 xe và lái xe). Ba không, đó là các xe không sử dụng còi hơi rú vang ầm ĩ dọc đường, không tự ý vượt đèn đỏ, mà phải tuân thủ sự điều hành của cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; lãnh đạo địa phương không được đón đoàn nơi giáp ranh giữa hai tỉnh/thành phố. Nếu cứ tổ chức đi đón thì Chủ tịch Quốc hội sẽ rẽ đi đường khác. Trong nhiều chuyến công tác khi còn là Chủ tịch quốc hội, đồng chí đã ngồi xe 24 chỗ để xuống địa phương, ăn cơm nắm, muối vừng dã chiến, và đa phần là dùng những bữa cơm bình dân thay vì yến tiệc chiêu đã thịnh soạn. Sự tiết kiệm của đồng chí cố Tổng bí thư còn được thể hiện trong đời sống cá nhân đầy thanh tao, hòa mình vào tình cảm chan hòa của bạn bè, đồng nghiệp. Khi đến gặp lại những người bạn cũ, đồng chí không ngần ngại nhờ bạn chở đi bằng xe máy. Trong những lần tiếp khách tại nhà riêng cũng chỉ thưởng thức những bánh trái, thức ăn của nhà quê.

Phương tiện di chuyển chủ yếu của đồng chí cố Tổng bí thư trong suốt nhiều năm chỉ là một chiếc Toyota đời cũ. Chiếc Toyota Crown 1998 mang biển kiểm soát 80B-2089 mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng từ năm 2006. Được biết, chiếc xe này cấp cho Văn phòng Quốc hội từ năm 1998, tổng thời gian xe lăn bánh trên đường là 26 năm, trong đó gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 18 năm. Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà cho biết giữa nhiệm kỳ khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng đề xuất thay xe cho Tổng Bí thư vì chiếc Toyota đã cũ, sử dụng nhiều năm. Thế nhưng Tổng Bí thư không đồng ý, ông nói rằng "xe vẫn đi tốt". Công tác xa đã có xe 7 chỗ gầm cao, xa nữa thì có máy bay. Chiếc Crown chỉ dùng để đi quanh Hà Nội nên không cần phải đổi. Vì theo Tổng Bí thư, thay xe sẽ phải thêm chi phí, thêm tiền của nhân dân. Kể từ đó, chuyện đổi xe không được văn phòng nhắc lại nữa. Câu chuyện chiếc xe ghi đậm dấu ấn phong cách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị, tiết kiệm, khiêm nhường, vì nước, vì dân. Trải qua nhiều cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn thể hiện rõ nét phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Đi đôi với đức tính tiết kiệm, là một cuộc đời liêm khiết, trong sạch tuyệt đối. Ít người biết rằng sau ngần ấy năm công tác, đồng chí vẫn ở nhà công vụ, đó là nhà số 5 phố Thiền Quang - một con phố nhỏ thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Có nghĩa rằng căn nhà này vẫn là tài sản của Đảng.  Trong thời gian đầu công tác đồng chí Nguyễn Phú Trọng được phân công về làm biên tập viên của Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Gia đình ông cũng chuyển từ khu tập thể Kim Liên đến nhà tập thể Tạp chí Cộng sản trên phố Nguyễn Thượng Hiền. Được biết, khu nhà tập thể có tổng diện tích hơn 100m2 với 3 tầng, gồm 8 phòng nhỏ là nơi sinh sống của 8 hộ gia đình cán bộ, nhân viên công tác tại Tạp chí Cộng sản. Mọi người dùng chung 2 nhà vệ sinh và bể nước dưới sân. Sau này khi giữ chức vụ quan trọng nhất của Đảng, đồng chí vẫn ở nhà Công vụ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thông tin thêm, khi đọc bản kê khai tài sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ông thấy rất khiêm nhường. "Bản kê khai cho thấy mức lương của ông không cao, tiền tiết kiệm và tài sản cũng không nhiều. Ngoài căn nhà công vụ theo quy định của Đảng và Nhà nước, ông có hơn 300 m2 đất ở quê do ông bà tổ tiên để lại", đại biểu Dương Trung Quốc cho hay.

Tuy là người giữ trọng trách lớn, có vị trí cao trong hệ thống chính trị, đã có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, Nhà nước và Tổ quốc, nhưng gia đình đồng chí Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại vô cùng giản dị, bình yên , chan hòa với cuộc sống đời thường. Gia đình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 4 người. Vợ chồng ông sống rất giản dị, liêm khiết, không thuê người giúp việc. Bà Ngô Thị Mận - vợ của Tổng Bí thư - là một cán bộ Công an đã về hưu, rất cần mẫn, chăm chỉ việc nhà, chăm lo, sắp xếp để chồng yên tâm công tác, đến giờ phương tiện đi lại của bà vẫn chỉ là chiếc xe Cup đời cũ.  Hai người con của ông bà đã có gia đình riêng, bản thân các cháu và con dâu, con rể có chuyên môn rất giỏi, hiện làm công việc tốt ở những đơn vị bình thường. Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: "Công việc của các con, các con phải tự lo lấy, tự chịu trách nhiệm với bản thân và tự khẳng định mình”.

            Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người chính trực, thẳng thắn, nói đi đôi với làm.

Từ một thanh niên nông thôn rất đỗi bình dị, nhưng là thế hệ sinh ra và lớn lên từ Cách mạng Tháng Tám, trái tim Nguyễn Phú Trọng từ nhỏ đã nhuộm hồng ánh sáng của lý tưởng, được giáo dục để có một niềm tin sắt son và tình yêu máu thịt đối với Nhân dân, đất nước và CNXH; được sự chăm lo của Đảng và Nhân dân, cộng với ý thức rất cao về sự tu dưỡng, rèn luyện bản thân với một định hướng đẹp đẽ và không lay chuyển: “Nếu là hoa, phải là hoa hướng dương; nếu là đá, phải là đá kim cương; nếu là người, phải là người cộng sản”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã không ngừng phấn đấu vươn lên luyện thành “thép đã tôi”, kết tinh trí tuệ, đạo lý và văn hóa Việt Nam. Mỗi ngày, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng răn mình, giũa sáng tứ đức “cần, kiệm, liêm, chính” mà Bác Hồ đã dạy. Một trong những câu thơ mà đồng chí thích nhất là của nhà thơ Tố Hữu:

Không thể gì quyến rũ

Mua bán được lương tâm

Danh dự của riêng thân

Là của chung đồng chí

Phải giữ gìn tỉ mỉ

Như tròng mắt con ngươi

Đến cạn máu tàn hơi

Không xa rời kỷ luật

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có nhiều chuyến đi công tác bằng phương tiện công cộng, thường đến thẳng những nơi khó khăn nhất, ăn cơm thường do văn phòng chuẩn bị, thường ngồi chung với anh em báo chí. Thông thường đồng chí ngồi giữa, cánh nhà báo ngồi xung quanh cùng với một số đồng chí cận vệ. Đồng chí thường gọi các nhà báo là đồng nghiệp và đề nghị anh em phải “nói thẳng, nói thật” những điều “mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”.

Trên cương vị lãnh đạo Đảng, là người thắp lên ngọn lửa thúc đẩy công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách triệt để. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn tự mình gìn giữ những phẩm chất tốt đẹp, những tiêu chuẩn đạo đức của một cán bộ, đảng viên một người đứng đầu tổ chức. Sự mẫu mực của Cố Tổng bí thư chính là bản lĩnh, là ánh sáng của thanh gươm công lý dùng để dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh chống lại tham ô, tham nhũng, và những tiêu cực trong hệ thống chính trị. Sự phấn đấu, tu dưỡng trong suốt cuộc đời, để trở thành một chiến sỹ cộng sản trung thành, một nhà lãnh đạo cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư chính là biểu hiện rõ nét nhất về phẩm chất chính trực, tinh thần chính nghĩa và con đường chính đạo của Cố Tổng bí thư.

Với hơn 80 năm cuộc đời, hơn nửa thế kỷ bước vào môi trường công chức, không ngừng học tập, nghiên cứu, rèn luyện, phấn đấu, được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, để gần 20 năm cuối đời, vận nước và vai trò cầm quyền của Đảng được trao cho đồng chí. Hơn một nhiệm kỳ đồng chí là Bí thư Thành ủy Hà Nội, hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội, gần ba nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với gần nửa nhiệm kỳ vừa giữ chức Tổng Bí thư, vừa giữ chức Chủ tịch nước, đồng chí là một trong những lãnh tụ Đảng giữ nhiều trọng trách, thời gian lâu nhất qua gần 40 năm đổi mới đất nước. Gia tài hoạt động cách mạng của đồng chí là những đóng góp lớn lao, tạo nên những giá trị văn hóa chính trị vừa giữ được cội nguồn lịch sử, vừa sáng tạo những giá trị văn minh hiện đại, không chỉ cho bản thân, mà còn cho những giá trị nhân văn phổ quát, giữ được thanh danh của đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước bằng đạo đức, văn minh. Ngoài những giá trị nêu trên, đồng chí chẳng tích lũy cho riêng mình cùng gia đình, dòng họ tài sản kếch xù về vật chất, cũng không đôn đáo đưa con cháu vào vòng danh lợi. Ngày ngày, đồng chí vẫn lưu thông trên chiếc xe đời cũ, không hú còi inh ỏi đường phố. Ngôi nhà đồng chí sinh sống gần hồ Thiền Quang chẳng phải biệt phủ sang giàu. Huân chương Sao Vàng mà đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng là phần thưởng thiêng liêng, cao quý nhất, thực sự xứng đáng là con cháu Bác Hồ. Tất cả những điều trên cho thấy phẩm chất chí công vô tư trong đạo đức cách mạng của người cộng sản chân chính.

  1. 3.      Người chiến sĩ cộng sản có tinh thần quốc tế trong sáng

Trong suốt quá trình lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho Việt Nam một nền tảng vững chắc trong quan hệ quốc tế với chính sách ngoại giao vô cùng nhân văn và khôn khéo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo những người làm ngoại giao suy nghĩ về việc "Xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam toàn diện hiện đại mang bản sắc cây tre Việt Nam" . Tổng Bí thư tái khẳng định "cây tre Việt Nam" với những góc tiếp cận “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển… thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam...” Khi liên tưởng đến ngoại giao thì gốc tre chính là truyền thống ngoại giao Việt Nam do cha ông xây dựng nên, đúc kết thành truyền thống ngoại giao hòa hiếu, mà chữ "hòa hiếu" mang rất nhiều nghĩa. Ngoại giao bây giờ và mãi sau này xuất phát từ cái gốc đó, gốc càng vững thì phần trên càng vững. Thân cây tre, đó là toàn bộ quan điểm đường lối của chúng ta về quan hệ quốc tế và các vấn đề quốc tế, các đối tượng đối tác khác nhau trong quan hệ quốc tế. Thân cây tre cũng là lợi ích quốc gia dân tộc, mỗi thời kỳ nội hàm của khái niệm này khác nhau mà nước nào thời nào cũng phải xác định rõ. Lợi ích quốc gia dân tộc không chỉ câu chuyện kinh tế chính trị mà cả chủ quyền, chế độ, truyền thông, thông tin, văn hóa… Ngọn tre là phần mà ta phải thích ứng với bên ngoài, luôn thay đổi chuyển động, đó gọi là nghệ thuật ngoại giao. Nhưng chuyển động đó luôn gắn bó với thân rễ, ngọn càng mềm, càng giỏi bao nhiêu là nhờ vào phần gốc và thân. Chúng ta hiểu bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam là như vậy, vững gốc, chắc thân, ngọn uyển chuyển. Đường lối “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần đưa nền ngoại giao Việt Nam lên tầm quốc tế.

Với phong cách điềm đạm, lịch thiệp, chân thành, nhưng ẩn chứa bên trong là ý chí, nghị lực và sự can đảm phi thường, Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhận được sự tôn trọng từ những người đồng cấp và bạn bè quốc tế.Theo các nhà phân tích thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, bài bản và luôn hướng về người dân.

Đồng chí Walter Sorrentino - Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Brazil, Chủ tịch quỹ Maurício Grabois khi đọc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” được công bố ngày 16/5/2021 đã nói: “Những tổng kết bài bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp sáng niềm tin, làm phong phú thêm kho tàng lý luận và thực tiễn của những người cộng sản và tiến bộ trên toàn thế giới... Chúng tôi rất phấn khởi chứng kiến những thành tựu vĩ đại của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu”.

Còn tác giả Piotr Tsvetov khi đăng bài “Việt Nam tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” trên Báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên bang Nga số ra ngày 17/2/2022 đã nhận định, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự xác nhận rõ ràng về tinh thần nghiêm túc trong công việc mà ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng thực hiện, nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ của những người đảng viên và toàn thể dân tộc Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Giáo sư, Tiến sĩ Triệu Tự Sinh - Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu so sánh chính đảng thế giới, trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thì nhận định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thời gian dài làm công tác nghiên cứu lý luận của Đảng, là nhà lý luận có uy tín cao trong giới lý luận của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có quá trình làm chính trị phong phú, là người thúc đẩy và là “người cầm lái” cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Đánh giá sâu về công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam.

Trang tin The Times of India trong bài viết “Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam - Những bước tiến và những thách thức” đã cho rằng, chống tham nhũng, sai phạm là vô cùng quan trọng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thấy rõ công cuộc chống tham nhũng cần là một tiến trình không ngừng nghỉ và là một yếu tố quan trọng để ứng phó với những thách thức trong giai đoạn tới. Việt Nam đã cung cấp một bài học quý giá mà các quốc gia khác có thể noi theo, khi tham nhũng đang là vấn nạn phổ biến trên toàn cầu".

Tình cảm của bạn bè quốc tế thể hiện rõ rệt khi biết tin đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Những công lao, sự nỗ lực bền bỉ của đồng chí cho nền hòa bình thế giới là hết sức rõ rệt. Phong cách ngoại giao của đồng chí Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ phương châm, nhất quán và tinh thần thiện chí của Việt Nam đối với quốc tê. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam mà còn để lại nhiều tiếc nuối đối với bạn bè quốc tế và loài người tiến bộ.

Chủ tịch Viện Rosa - Luxembourg - Đức bày tỏ sự tiếc nuối, cho rằng sự ra đi của Tổng Bí thư không chỉ là một mất mát to lớn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam mà còn đối với phong trào cánh tả trên toàn thế giới bởi cam kết kiên định của ông với các nguyên tắc của Chủ nghĩa xã hội và những nỗ lực không mệt mỏi vì sự phát triển tốt đẹp của đất nước Việt Nam đã để lại một dấu ấn không thể phai nhòa.Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người theo chủ nghĩa Mác kiên định, người kế nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà lãnh đạo vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và của nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế trên toàn thế giới. Di sản của ông sẽ được nhiều thế hệ trong và ngoài nước ghi nhớ.

Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Khối Tiến lên Toàn Ấn (AIFP) ca ngợi đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhân vật kiệt xuất trong phong trào xã hội chủ nghĩa toàn cầu, một nhà lãnh đạo kiên định với tầm nhìn, sự cống hiến và kiên định với các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lênin… Quá trình lãnh đạo của đồng chí được ghi dấu ấn bởi tư tưởng liêm chính sâu sắc, tầm nhìn chiến lược và sự tận tâm vì hạnh phúc của người dân Việt Nam và nhân dân toàn thế giới... Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục truyền cảm hứng và hướng dẫn các thế hệ tương lai của những người theo chủ nghĩa xã hội và những người tiến bộ trên khắp thế giới.

Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel cho rằng với sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam mất đi một chiến sỹ lớn, một người công bộc tận tụy, ở cương vị đứng đầu Đảng, luôn quan tâm giải quyết các thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam. Đồng chí đã giữ vai trò to lớn trong củng cố niềm tin giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam cũng như trong nâng cao đạo đức dẫn dắt hành động của những người cộng sản. Đồng chí đã có đóng góp lớn, thông qua thúc đẩy tư tưởng "ngoại giao cây tre" định hình quan hệ quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ tôn trọng luật pháp quốc tế. Đóng góp về mặt tư tưởng, lý luận của đồng chí cho phong trào cộng sản và công nhân có tầm quan trọng lớn cho tư duy và hành động trong thế giới hiện nay và kế thừa xứng đáng các nhà cách mạng tiền bối đã định hình thế kỷ XX, như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Đảng Cộng sản Chile khẳng định sự nghiệp của Nguyễn Phú Trọng là cuộc đời của người cộng sản lỗi lạc, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương, tái thiết đất nước khi nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Chiến công của dân tộc Việt Nam luôn được nhân dân thế giới coi là biểu tượng. Những phẩm giá của nhân dân Việt Nam anh em sẽ còn mãi trong lòng nhân dân Chile và thế giới. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại một bài học lớn cho những người cộng sản thế giới là lòng trung thành với nguyên tắc và quyết tâm xây dựng một xã hội mới vì lợi ích của người dân.

Trích lời chia buồn của tổng thống Nga, Vladimir Putin: “…Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã hiến dâng cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc. Qua nhiều năm công tác trên các cương vị trọng trách của Nhà nước và Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự kính trọng sâu sắc của người dân Việt Nam và có uy tín lớn trên trường quốc tế. Nước Nga sẽ nhớ đến Tổng Bí thư như một người bạn thực sự có đóng góp cá nhân to lớn cho việc thiết lập và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Moskva và Hà Nội. Tôi đã nhiều lần có dịp tiếp xúc với con người tuyệt vời đó và sẽ giữ mãi ấn tượng về Tổng Bí thư….”

Thông điệp của Tổng thống Mỹ, Joe Biden có đoạn viết: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đi đầu trong việc gây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ. Nhờ sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, hai nước chúng ta đã có được tình hữu nghị và quan hệ đối tác như ngày hôm nay. Chuyến thăm lịch sử năm 2015 của Ngài Tổng Bí thư tới Nhà Trắng là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương của chúng ta. Nhờ tầm nhìn của Ngài Tổng Bí thư, trong chuyến thăm cấp nhà nước năm 2023 của tôi tới Hà Nội, Việt Nam và Mỹ đã trở thành "Đối tác chiến lược toàn diện", mức độ đối tác cao nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nhờ tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta, người dân Việt Nam và Mỹ cũng như người dân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày nay được sống trong môi trường an ninh và những cơ hội lớn hơn. Đó là nhờ công lao của Ngài Tổng Bí thư. Đất nước Mỹ và cá nhân tôi sẽ luôn ghi nhớ, đánh giá cao cam kết của Ngài trong hàn gắn và xây dựng một tương lai vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. Chúng tôi tôn vinh di sản của Ngài Tổng Bí thư và cùng với người dân Việt Nam xin được tỏ lòng tiếc thương sự ra đi của Ngài".

Tổng bí thư – Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình chia sẻ: “Hơn 10 năm qua, tôi và đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc mật thiết, đã kết nên tình đồng chí nồng thắm. Sự kiện mang ý nghĩa cột mốc là năm ngoái, chúng tôi cùng tuyên bố xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược. Sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng khiến chúng tôi mất đi một đồng chí thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Việt Nam và đồng hành trong sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, khiến chúng tôi vô cùng thương tiếc. Chúng tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ sự đóng góp kiệt xuất của đồng chí Nguyễn Phú Trọng dành cho quan hệ hai Đảng, hai nước và sự nghiệp phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới”

Vậy là một trái tim lớn vừa ngừng đập! Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Trọn cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; mang hết tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết cách mạng, làm việc đến hơi thở cuối cùng, tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho nước, cho dân; khẳng định một nhân cách lớn, sống trọn cuộc đời vì nước, vì Đảng, vì dân. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng trong sáng, “chí công vô tư”, lối sống giản dị, liêm khiết, chân thành, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, sâu sát, quyết liệt, nhất quán giữa nói và làm, tôn trọng và yêu thương con người, rất đỗi gần gũi với nhân dân; thật sự là hạt nhân quy tụ đoàn kết, thống nhất trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, được cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài kính trọng, tin tưởng và tự hào, được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao.

Thay cho lời kết xin viết lại trích đoạn trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”, tác phẩm mà đồng chí Cố tổng bí thư đã từng rất tâm đắc: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để trước khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo".

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn