Phát huy sức mạnh bảo vệ tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Quy luật tồn tại và phát triền của dân tộc Việt Nam là “dựng nước đi đôi với giữ nước”. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, quy luật đó được biểu hiện tập trung trong hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ gắn bó mật thiết là: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Những thành tựu mà nhân dân ta giành được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước luôn gắn liền với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) và có tác động hữu cơ với nhau. Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc và việc phát huy sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

1.     Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh Bảo vệ  quốc

Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh BVTQ là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, vì kẻ thù chống chúng ta về mọi mặt, nên chúng ta cũng phải dùng sức mạnh toàn diện để chống lại chúng. Hồ Chí Minh khẳng định: "... chiến tranh ngày càng phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được"(1). Do đó, xem xét sức mạnh BVTQ trên mọi phương diện, không chỉ xem xét sức mạnh về vật chất, về vũ khí trang bị..., mà còn về tinh thần, lực lượng của quần chúng nhân dân. Nếu chỉ dựa vào vũ khí, trang bị, mặc dù vũ khí, trang bị đó có tối tân, hiện đại đến đâu cũng khó có thể giành được thắng lợi, khó có thể bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN). Hồ Chí Minh khẳng định: "Tuy có những vũ khí tối tân, nhưng chỉ dựa vào vũ khí và binh lực thì không thể thắng nổi địch"(2). Thực tiễn đã chứng minh rằng, lúc bắt đầu kháng chiến chống Pháp xâm lược quân đội ta là một quân đội còn non trẻ. Mặc dù, tinh thần dũng cảm có thừa, nhưng còn thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ, thiếu mọi mặt... Trong khi đó, đội quân xâm lược của địch là một quân đội nổi tiếng thế giới. Chúng có hải quân, lục quân, không quân lại được đế quốc Anh, Mỹ giúp, nhất là Mỹ viện trợ. Lực lượng ta và địch so le nhiều như thế, cho nên lúc đó bọn phản động cho rằng: cuộc kháng chiến của ta là "châu chấu đá voi". Chỉ nhìn về vật chất, chỉ nhìn về hiện trạng, chỉ nhìn bằng con mắt thiển cận mà xem xét thì như thế thật. Vì lúc đó địch đã có máy bay và đại bác, xe tăng... mà ta chỉ có súng kíp, mã tấu, dao kiếm và gậy tầm vông...  Nhưng Đảng ta không chỉ nhìn vào hiện tại mà đã thấy tương lai, tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc. Hồ Chí Minh yêu cầu: "... chúng ta phải tập trung hết thẩy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến thì thực lực kháng chiến của ta mới được đầy đủ, mạnh mẽ để đạt tới thắng lợi cuối cùng"(3). Bác đã quả quyết: "Nay tuy châu chấu đá voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra". Như vậy, sức mạnh BVTQ theo Hồ Chí Minh phải là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sức mạnh về chính trị, kinh tế, quân sự... Đó là vấn đề rất quan trọng trong xem xét tương quan, so sánh lực lượng, trong xây dựng sức mạnh BVTQ. Có phương pháp xem xét, đánh giá đúng sẽ có hành động đúng, tạo nên sức mạnh giành chiến thắng.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết. Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò to lớn của đoàn kết. Đó là nguyên nhân của mọi thành công nói chung, của sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN nói riêng. Lời kêu gọi nhân kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 19.12.1954, khi mà nhân dân ta mới giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kết thúc xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Chúng ta đã đoàn kết, đấu tranh, cảnh giác và tin tưởng, cho nên chúng ta đã thắng lợi trong kháng chiến. Thì nay chúng ta phải đoàn kết rộng rãi cả nước và đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn cùng nhân dân yêu chuộng hoà bình toàn thế giới... Như vậy, chúng ta nhất định thắng lợi trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta"(4).

Phương châm của đoàn kết theo Hồ Chí Minh là phải "lâu dài", là "một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị". Mục đích của đoàn kết "để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc", và "để xây dựng nước nhà". Hồ Chí Minh giải thích: "Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác". Người coi: "Đó là nền gốc của đại đoàn kết" và khẳng định cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bởi vậy, bất kỳ ai mà "thật thà" tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì dù những người đó trước đây có "chống" chúng ta, bây giờ họ hiểu ra, chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ. Cho nên, ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ. Theo Hồ Chí Minh khi đã đoàn kết rồi thì phải thường xuyên củng cố tình đoàn kết ấy. Theo Người: "Nền có vững nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi". Trong chính sách đoàn kết của Hồ Chí Minh đề phòng hai khuynh hướng sai lầm: cô độc hẹp hòi và đoàn kết một chiều vô nguyên tắc. Từ đó, Người dạy: "Phải lấy công tác mà củng cố đoàn kết. Phải lấy đoàn kết mà đẩy mạnh công tác"(5).

Không những đoàn kết nhân dân mà còn đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp BVTQ. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Chú trọng giúp đỡ đồng bào vùng cao và làm tốt công tác an ninh trật tự, củng cố quốc phòng"(6). Không chỉ đoàn kết rộng rãi giữa các tầng lớp nhân dân, dân tộc, nâng cao chí khí đấu tranh và tinh thần cảnh giác cách mạng mà còn "tin tưởng hơn nữa vào lực lượng mạnh mẽ và tiền đồ vẻ vang của dân tộc ta". Nghĩa là phải có niềm lạc quan cách mạng mới tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp BVTQ XHCN.

Hồ Chí Minh không những chỉ ra phương châm, mục đích của đoàn kết mà còn chỉ ra phương pháp đoàn kết là chống tả khuynh và hữu khuynh; yêu cầu của đoàn kết là phải rộng rãi, đoàn kết trong nước và đoàn kết cả những người có quá khứ lầm lỗi nhưng đã biết ăn năn hối cải. Không những đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, dân tộc mà cùng với nó phải là củng cố đoàn kết, để tạo nên đoàn kết vững chắc, tạo sự đồng thuận trong sự nghiệp BVTQ XHCN. Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp BVTQ, chỉ có thế cũng chưa đủ mà còn phải kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài để tạo nên tổng lực cùng hướng vào bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh chỉ rõ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì sức mạnh BVTQ có sự chuyển hoá từ yếu thành mạnh. Người khẳng định: "Thế giới sẽ chỉ có nền hoà bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó"(7). ở chính các nước đế quốc, nhân dân lao động tiến bộ cùng với nhân dân ở các nước thuộc địa ai cũng muốn hoà bình, cho nên phải đoàn kết đấu tranh chống thực dân, đế quốc thì mới giành được hoà bình thật sự, cách mạng sẽ thành công.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong sự nghiệp BVTQ theo Hồ Chí Minh không chỉ là khai thác triệt để sức mạnh thời đại để kết hợp với sức mạnh dân tộc, mà nhân dân ta còn có nghĩa vụ quốc tế trong sự kết hợp ấy. Quan niệm về nghĩa vụ quốc tế của Người không chỉ là trực tiếp giúp một nước nào đó trong đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc mà ngay cả khi củng cố, xây dựng nền quốc phòng vững mạnh để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ngay từ khi đất nước ta còn đang chiến đấu chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc để giành lại độc lập dân tộc thì giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta đã và đang làm nghĩa vụ quốc tế cao cả chống chủ nghĩa đế quốc. Người viết: "Đồng bào lao động và toàn thể quốc dân ta cần phải hăng hái tổng động viên để đánh tan bọn xâm lược, để đưa cuộc kháng chiến thần thánh của ta mau đến thắng lợi hoàn toàn. Như thế, tức là toàn thể lao động và nhân dân ta thiết thực chen vai thích cánh với lao động và nhân sĩ thế giới để hoàn thành sự nghiệp vĩ đại chung là bảo vệ dân chủ và hoà bình thế giới"(8). Và: "Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hoà bình trên thế giới"(9).

Trong khi khẳng định sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của bên ngoài, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh tinh thần tự lực cánh sinh, "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Hồ Chí Minh viết: "Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời lại phải tự lực cánh sinh". Trông vào sức mình nhất là ở sau lưng địch thì lại càng phải đặc biệt chú ý. Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập"(10). Tư tưởng tự lực cánh sinh của Người rất cao, nên vào thời điểm khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ khi được các phóng viên nước ngoài hỏi: Nếu cuộc "chiến đấu" lại gay go trong thời gian sắp tới thì "Ngài sẽ trông cậy vào những sự hỗ trợ nào?" Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: "Chúng tôi bao giờ cũng trông cậy vào chúng tôi", "đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế có hiệu quả nhất...". Từ đó, chúng ta nhận thấy sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là công việc, trách nhiệm của chính chúng ta, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Do đó, cần khai thác và phát huy tốt nội lực vào sự nghiệp BVTQ. Đồng thời để bảo vệ vững chắc Tổ quốc cần tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân và các dân tộc tiến bộ trên toàn thế giới một cách có hiệu quả nhất.

2.     Phát huy sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay

Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh BVTQ là vấn đề có ý nghĩa rất to lớn, không chỉ để hiểu biết thêm tư tưởng của Người mà từ sự hiểu biết đó chúng ta nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn xây dựng sức mạnh BVTQ trong điều kiện mới, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã căn dặn: Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước nên ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước, mục đích của cách mạng cũng là mục đích của nền quốc phòng và an ninh là “giữ cho nước nhà độc lập, nòi giống được tự do”, coi đó là nhân tố cốt lõi tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Sau hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại giành thắng lợi đã giành được độc lập hoàn toàn và thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta không có nguyện vọng nào thiết tha hơn, không có hoài bão nào lớn lao hơn là xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới, bảo vệ Tổ quốc càng đóng vai trò quan trọng hơn, nó có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhiệm vụ xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, bảo vệ Tổ quốc càng trở nên quan trọng hơn khi mà tình hình thế giới có những diễn biến ngày càng phức tạp dứoi tác động của xu thế toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế. Thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Đối với nước ta sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới có thể khẳng định, chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Đó là nền tảng cơ bản, điều kiện rất thuận lợi cho công cuộc tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Tuy nhiên, nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hòng làm sụp đổ chế độ XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Bên cạnh đó, tình hình Biển Đông, các hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới, biển, đảo của nước ta vẫn diễn biến khá phức tạp.

Trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải thường xuyên quan tâm chăm lo tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược “từ sớm, từ xa”, trong mọi tình huống, đủ sức đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN, Văn kiện Đại hội XIII của Ðảng khẳng định: Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh nhân; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc”, nhằm gắn kết chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh, tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc (11).

Trong phát triển tư duy về lực lượng để tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, Văn kiện Đại hội XIII của Ðảng nêu rõ: "Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng... phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống..." (12).

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tư duy mới của Đảng ta trước hết là sức mạnh tổng hợp của quốc gia và chế độ, lấy sức mạnh kinh tế, chính trị làm cơ sở. Trong nhận thức về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc hiện nay, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được bổ sung và hoàn chỉnh hơn, toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực văn hoá - xã hội, thông tin, môi trường sinh thái,... Bởi tất cả các mặt này đều chứa đựng trong đó cả nguy cơ và thời cở thách thức, có liên quan chặt chẽ tới quốc phòng và an ninh trong hội nhập kinh tế. Việc mất an ninh về văn hoá, an toàn về thông tin, mất ổn định về xã hội, sự đe dọa về môi trường sinh thái cũng có liên quan trực tiếp tới quốc phòng an ninh. Bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế không cho phép Việt Nam tách mình biệt lập với cộng đồng thế giới, mà phải chủ động tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, chủ động khai thác những thuận lợi từ bên ngoài, tận dụng những mặt tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực. Quá trình này được kết hợp chặt chẽ với yêu cầu giữ vững quốc phòng, an ninh. Thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, củng cố chủ quyền và an ninh đất nước. 

            Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng với mục tiêu bảo vệ được sự trong sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng; bảo vệ được hệ thống chính trị, mà cốt lõi là giữ vững vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không bị phụ thuộc vào bên ngoài về đường lối, chủ trương; không chịu sự áp đặt những điều kiện về chính trị, kinh tế của bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào, giữ vững sự ổn định chính trị và định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, Đảng ta chủ trương phải nghiêm túc thực hiện bảo vệ an ninh nội bộ và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia để bảo vệ có hiệu quả bộ máy Đảng, Nhà nước, từng tổ chức, mỗi con người.

                        Cuộc đấu tranh diễn ra trên lĩnh vựu kinh tế diễn ra khó thấy bởi kẻ thù phá hoại kinh tế ta ngày nay không phải bằng bom đạn huỷ diệt các cơ sở kinh tế của ta, mà bằng thủ đoạn của chiến lược diễn biến hòa bình ngấm ngầm đưa nền kinh tế của ta chệch hướng xã hội chủ nghĩa hoặc kiềm chế, phá hoại làm cho nền kinh tế của ta bị tụt hậu không đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Hơn nữa, toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế làm tăng tính tuỳ thuộc vào nhau giữa các quốc gia, làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh và mang tính xã hội hoá ngày càng cao, nhưng đồng thời cũng dễ dàng làm suy giảm chủ quyền quốc gia do khả năng lệ thuộc về vốn và công nghệ vào những nước phát triển cao. Đó là nguy cơ luôn tiềm ẩn đối với những nước có trình độ phát triển thấp. Sự lệ thuộc này sớm muộn sẽ tất yếu kéo theo sự phụ thuộc về chính trị mà những kẻ thiết kế chiến lược diễn biến hòa bình đã giăng sẵn bẫy.

Trên mặt trận văn hoá, để chống lại cuộc tiến công của kẻ thù, chúng ta phải xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó các nhân tố dân tộc, giai cấp, nhân loại hoà quyện với nhau chặt chẽ, đủ sức chống trả với những nhân tố tiêu cực và phá hoại của nền văn hoá ngoại lai; đồng thời hấp thụ cái hay của các nền văn minh trên thế giới làm giàu cho nền văn hoá dân tộc. Tuy vậy hội nhập và mở cửa vừa có cơ hội thuận lợi trong giao lưu văn hoá quốc tế nhưng đồng thời cũng dễ dàng để lọt những giá trị phản văn hoá, phản tiến bộ, làm băng hoại những giá trị văn hoá dân tộc, gây mất an ninh về văn hoá. Việc thượng mại hoá các hoạt động văn hoá văn nghệ cũng là một biểu tượng đáng lo ngại. Do vậy, trong tư duy đổi mới của Đảng về quốc phòng an ninh trong hội nhập kinh tế cũng có liên quan chặt chẽ tới lĩnh vực văn hoá.

             Toàn cầu hoá tạo môi trường thuận lợi cho việc nắm bắt thông tin, đồng thời cũng tạo ra nguy cơ rò rỉ những thông tin cơ mật có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng an ninh. Do vậy, vấn đề không gian mạng cũng được đặt ra và được hiểu là lãnh thổ mở rộng của quốc gia, là mạng lưới kết nối toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm internet, các mạng viễn thông, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin. Cũng giống như chủ quyền lãnh thổ, các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối, hoàn toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức là có chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Tại Việt Nam, theo số liệu từ Kaspersky Security Network (Nga), liên tiếp trong 3 năm (2018-2020), nước ta nằm trong nhóm 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất và là quốc gia có tỷ lệ gặp phải mã độc tống tiền cao nhất châu Á-Thái Bình Dương năm 2019. Ngoài ra, các thế lực thù địch lợi dụng internet và mạng xã hội để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.  Do vậy, Đảng ta luôn xác định cần phải: “Tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu… giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống” (13).

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy sức mạnh tổng hợp là một quan điểm tư tưởng chỉ đạo của đảng ta. Sức mạnh ấy không chỉ ở sức mạnh quân sự, sức mạnh an ninh mà là dựa trên sức mạnh của quốc gia tạo nên từ sự tổng hợp mọi tiềm lực của đất nước về chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, thông tin, văn hoá. Để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc, Ðảng ta xác định: kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc phải toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.

                       ________________________________

(1), (2), (3), (11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, (2000) Nxb CTQG, H., T.4, tr 298, 221, 447, 126.

(4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, (2000), Nxb CTQG, H., T.7, tr 400, 438.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, (2000), Nxb CTQG, H., T.11, tr244.

(7), (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, (2000), Nxb CTQG, H., T.1, tr11, 434.

(8), (10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, (2000), Nxb CTQG, H., T.6, tr38, 522.

(11) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, H., tập 1, tr.276.

(12), (13) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, H., tập 1, tr.277.

 

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn