Điện Biên Phủ trên không: ý chí và niềm tin tất thắng


                                                                                                Trương Thị Thùy Liên

Khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng

Tóm tắt: Cách đây vừa tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, quân và dân miền bắc mà nòng cốt là lực lượng của Quân chủng Phòng không-Không quân đã tiến hành chiến dịch phòng không vào những ngày cuối tháng 12/1972, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận, làm nên chiến thắng vĩ đại “có một không hai” trong lịch sử - “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng đã đập tan huyền thoại “pháo đài bay” của lực lượng không quân hiện đại bậc nhất thế giới. Cùng với những thắng lợi to lớn đạt được trên chiến trường miền nam của quân và dân ta, chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

NỘI DUNG  

            Cho đến tháng 10-1972, cuộc tiến công chiến lược của quân, dân ta ở miền Nam đã diễn ra hơn nửa năm và giành được một số thắng lợi to lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường. Trên miền Bắc, kể từ tháng 4-1972, quân, dân ta đã đánh bại một bước quan trọng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân và hải quân Mỹ; không ngừng tăng cường sức người, sức của vào tiền tuyến lớn, cùng quân, dân miền Nam phát triển cuộc tiến công chiến lược. 

            Tại Paris, cuộc đàm phán giữa ta và Mỹ kéo dài đã bốn năm. Ngày 8-10-1972, Chính phủ ta đưa ra bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hai bên đã thỏa thuận hầu hết các nội dung trong văn kiện, ấn định ngày 20-10-1972 sẽ ký tắt tại Hà Nội và ngày 31-10-1972 sẽ ký chính thức tại Paris. Nhưng chính quyền Nixon cố tình dây dưa, muốn đợi qua cuộc bầu cử tổng thống, đồng thời chuẩn bị bước phiêu lưu quân sự mới, nhằm giành lại thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, ép ta phải nhân nhượng theo những điều kiện có lợi cho Mỹ.

            Phân tích những âm mưu và hành động của đối phương, Bộ Chính trị nhận định, Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, có nhiều khả năng, chúng sẽ dùng máy bay B52 đánh ồ ạt Hà Nội, Hải Phòng... Nhiệm vụ của Quân chủng Phòng không - Không quân là tập trung mọi khả năng, nhắm trúng máy bay B52 mà tiêu diệt. Kế hoạch chuẩn bị đánh trả và phòng tránh máy bay B52 được quân và dân ta triển khai khẩn trương, tích cực, chủ động, kiên quyết; trong đó, lực lượng nòng cốt là quân chủng Phòng không - Không quân.

            Để chuẩn bị đánh B52, trước tiên là phải tìm hiểu tính năng, kỹ thuật, đặc điểm và quy luật hoạt động của nó, trên cơ sở đó, tìm ra cách đánh phù hợp. Nhằm thực hiện đầy đủ mục đích trên, đồng thời, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, tháng 5-1966, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức cho trung đoàn tên lửa 238 cơ động vào Vĩnh Linh, nghiên cứu cách đánh B52. Ngày 17-9-1967, tại trận địa T5, Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh), tiểu đoàn 84, trung đoàn 238 đã bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên. Từ đó, chúng ta luôn luôn duy trì một lực lượng ở chiến trường để đánh B52, với phương châm là vừa đánh địch, vừa nghiên cứu địch.

            Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.

            Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là sự nhắc nhở thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân bắt tay vào xây dựng kế hoạch đánh trả một cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội trong vòng 5 năm tới. Đáng chú ý nhất là cuốn sách cẩm nang bìa đỏ mang tên “Cách đánh B52” của bộ đội tên lửa. Tuy chỉ có 30 trang đánh máy, nhưng đó là sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình gần 7 năm chiến đấu với B52 và các thủ đoạn của không quân Mỹ, nhất là những kinh nghiệm và phương pháp mới nhất, được rút ra sau trận tập kích ngày 16-4-1972 bằng B52 của địch vào Hà Nội và Hải Phòng. Những phương pháp đánh B52 trong cuốn cẩm nang đó đã được quân chủng phổ biến tỉ mỉ cho từng kíp chiến đấu. Bởi thế, sau này bước vào chiến dịch, bộ đội tên lửa của ta đã bình tĩnh, tự tin, bẻ gãy các đợt tiến công của không quân Mỹ. Thậm chí, có những đơn vị chưa từng chạm trán với máy bay B52, như trung đoàn tên lửa 257 và trung đoàn tên lửa 261, nhưng từ kinh nghiệm và phương cách trong cuốn sách “Cách đánh B52”, các trung đoàn đó đã bắn rơi 24 máy bay B52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ.

            Đúng như ta phán đoán, ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52, mang tên Linebacker II vào Hà Nội và Hải Phòng. Vào hồi 19 giờ 20 phút ngày 18-12-1972, ra đa của ta phát hiện máy bay B52 của địch bay vào vùng trời miền Bắc. Được chuẩn bị chu đáo từ trước đó, một lực lượng lớn đã tham gia chiến dịch với 6 trung đoàn tên lửa phòng không (SAM-2), 3 trung đoàn không quân tiêm kích, 4 trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo cao xạ, 356 đơn vị pháo, súng máy cao xạ, toàn mạng ra đa và các lực lượng phục vụ khác. Không quân ta đón đánh địch ở vòng ngoài. Bộ đội cao xạ và lưới lửa tầm thấp của dân quân tự vệ hất máy bay chiến thuật của địch lên cao. Ra đa, tên lửa, vừa khắc phục các loại nhiễu, vừa phát sóng, bắt mục tiêu B52 và phóng đạn tiêu diệt.

            Trong cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12-1972, để bảo đảm an toàn cho B52 vào đánh phá, các nhà quân sự Mỹ đã sử dụng một lực lượng hùng hậu, gồm các loại máy bay tiêm kích, bay phía trước, phía sau, bay hai bên sườn, làm nhiệm vụ hộ tống (chặn đánh gần); các máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ thả nhiễu và chặn đánh xa; máy bay chế áp hệ thống phòng không ở mặt đất; máy bay tạo giả B52; các máy bay tác chiến điện tử phát nhiễu, tạo một vùng nhiễu rộng, ngụy trang cho lực lượng máy bay vào đánh phá. Thực chất của cách tổ chức đội hình này là sự liên kết chặt chẽ chức năng và phát huy tối đa tính ưu việt của từng loại máy bay, với những trang bị kỹ thuật hiện đại, tạo thành một cơ cấu vững chắc, đảm bảo an toàn cho B52 trong quá trình làm nhiệm vụ rải thảm bom hủy diệt mục tiêu. Như vậy, sức mạnh của B52 chỉ có thể phát huy tác dụng khi duy trì được khối liên kết chặt chẽ giữa B52 với các loại máy bay khác trong đội hình chiến dấn. Nếu sự liên kết đó bị phá vỡ, B52 khó lọt qua được lưới lửa phòng không của ta (đặc biệt là tên lửa và máy bay MIG). Đây là điểm yếu chí mạng của phương pháp liên kết chức năng và cũng là mắt xích quan trọng nhất.

            Quân đội ta xác định, muốn giành được thắng lợi cho chiến dịch, vấn đề đặt ra là phải chuyển hóa lực lượng, tập trung mọi nỗ lực, vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt, liên tục phá hỏng sự liên kết giữa các thành tố trong đội hình bay của địch, làm bộc lộ lực lượng, tách B52 ra để tiêu diệt. Cùng với việc tổ chức lực lượng đánh trả, phá hỏng sự liên kết của đối phương từ xa, bộ đội tên lửa thực hiện đánh tập trung, đánh hiệp đồng liên tiếp trên đường bay của chúng, làm rối loạn đội hình, tạo điều kiện thuận lợi để bắn trúng B52.

            Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn nhất bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng đã hoàn toàn bị đánh bại. Trong 12 ngày đêm, địch đã xuất kích 663 lần/chiếc máy bay chiến lược B52 và hơn 3.800 lần/chiếc máy bay chiến thuật các loại. Đây là lần đầu tiên, quân và dân ta tổ chức và thực hành thắng lợi một chiến dịch phòng không - một loại hình chiến dịch của chiến tranh hiện đại - đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của địch, một chiến dịch phòng không độc nhất trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Với tinh thần chiến đấu liên tục, kiên quyết, bền bỉ trong 11 ngày, 12 đêm, Quân chủng Phòng không-Không quân và các lực lượng phòng không ba thứ quân trên miền bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, đặc biệt đã tiêu diệt được 34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111A. Trong thắng lợi to lớn đó, Quân chủng Phòng không-Không quân đã phát huy vai trò nòng cốt bắn rơi 54 máy bay các loại (chiếm 66,67%), trong đó đối tượng tác chiến chủ yếu là B-52 đã tiêu diệt 32 chiếc (chiếm 94,12%) với 16 chiếc rơi tại chỗ (chiếm 100%), ba lực lượng tên lửa, không quân và pháo cao xạ đều bắn rơi B-52. Với thắng lợi này, đã giáng đòn quyết định vào cố gắng cuối cùng - đồng thời là cố gắng cao nhất của Mỹ trong năm 1972, và cũng là trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược, buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với lý do thất bại nặng nề như vậy, đúng 7 giờ ngày 30-12-1972, Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp đại biểu Chính phủ ta tại Paris, bàn việc ký kết Hiệp định.

            Chiến thắng của quân và dân ta đối với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12-1972, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Chiến thắng oanh liệt của trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời này đã góp phần kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài, hao người tốn của của một đạo quân viễn chinh. Âm hưởng của nó đã vượt ra khỏi phạm vi của một chiến dịch, góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút” sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân năm 1975. "Điện Biên Phủ trên không” là sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh lịch sử; xứng đáng là một đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011

3. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013

4. Hồ Chí Minh: Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990

 

 


 

 

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn