Tự lực tự cường trong giáo dục qua tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tác giả: Trương Vũ Long

Đơn vị: Bộ môn Lý luận Chính trị, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Dân tộc - người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người “là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cuộc đời, Người hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Di sản tư tưởng Người để lại có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Ý chí tự lực, tự cường trong Tư tưởng Hồ Chí Minh là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng; là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân; là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc.

Ý chí tự lực tự cường trong Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực chính trị, mà còn thể hiện rất rõ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đời sống xã hội được tạo thành bởi hoạt động của các cá nhân, nên trong bất kỳ lĩnh vực nào của xã hội, “ý chí tự lực tự cường” đều cho thấy tầm quan trọng của mình. Từ bản chất đó, ý chí tự lực, tự cường là mỗi cá nhân tự ý thức được vị trí, vai trò và năng lực của mình trong xã hội, từ đó phát huy tiềm năng của mình, nắm lấy quền làm chủ của mình, quyền tham gia vào xây dựng xã hội. Đi đôi với quyền làm chủ là trách nhiệm của mỗi con người trong việc xây dựng xã hội.

Giáo dục và đào tạo luôn là một lĩnh vực quan trọng hàng đầu ở bất kỳ xã hội nào, bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử. Giáo duc và đào tạo chính là việc con người ý thức được quyền làm chủ và giải phóng khả năng của chính mình. Làm việc với tri thức chính là tự giải phóng con người, có tri thức mới có thể sử dụng được quyền lực của mình. Trong giáo dục và đào tạo, quá trình tự giáo dục của con người thể hiện rõ nét nhất tính dân chủ của nó. Đồng thời quá trình tự học, tự giáo dục chính là sự phát huy ý chí tự lực tự cường của mỗi cá nhân trong việc xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, bền vững.

Về vấn đề tự học, tự giáo dục, không ai có thể phủ nhận được tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Danh nhân văn hóa thế giới, một nhà chính khách kiệt xuất, một nhà tư tưởng tiến bộ. Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta biết đến một con người thông thạo hơn 6 thứ tiếng và thấu hiểu văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúng ta biến đến một nhà báo, một nhà thơ, một nhà văn xuất sắc. Chính tấm gương tự học không ngừng đã làm nên một con người kiệt xuất như vậy. Trong bài viết này, tác giả mạnh dạn tiếp cận nội dung “Ý chí tự lực tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh  với bài viết: “Tự lực tự cường trong giáo dục qua tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.  

1.     Tự lực tự cường trong giáo dục

Nếu “tự lực” có nghĩa là dựa vào sức mình để sống và làm việc, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào người khác thì “tự cường” có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác. Tự lực, tự cường, tự chủ là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân. Là người tìm đường và dẫn đường cho dân tộc, Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường. Tính tự lực, tự cường không chỉ giúp mỗi con người thành công mà còn giúp họ trở thành những người có lòng tự trọng, hiểu biết và có một cuộc đời hữu ích. Do đó, mỗi người dân phải tự tìm việc làm, tự lên kế hoạch, tự vượt qua khó khăn để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc; mỗi khi gặp khó khăn thì tinh thần tự lực, tự cường trong họ càng phải được trỗi dậy và phát huy cao độ. Hồ Chí Minh còn cho rằng tự lực, tự chủ là phẩm chất, quyền lợi mang “tính người” và nếu con người không có quyền tự chủ thì không còn là con người nữa. Vì thế, Người đã viết: “Thế thượng thiên tân hòa vạn khổ/ Mạc như thất khước tự do quyền!/ Nhất ngôn, nhất động bất tự chủ/ Như ngưu, như mã, nhậm nhân khiên”. (Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do/ Mỗi việc, mỗi lời không tự chủ/ Để cho người dắt tựa trâu bò)

Ta có thể thấy rằng, mục đích và động lực của “ý chí tự lực tự cường” chính là quyền tự do của con người. Liên hệ trong giáo dục, đó chính là quyền tự do học tập của mỗi cá nhân trong xã hội. Trong lịch sử phát triển của xã hội, quyền được tự do học tập của mỗi cá nhân trong xã hội cũng tương ứng với mức độ tự do, dân chủ của xã hội đó. Trong xã hội Chiếm hữu nô lệ, những thành phần có quyền được học rất ít ỏi, chỉ là một bộ phận quý tộc; trong xã hội phong kiến, đa số phụ nữ không được quyền đi học. Ngày nay tất cả mọi người đều có quyền được đi học và tự do lựa chọn những cơ sở đào tạo cho mình, tự do lưa chọn lĩnh vực học tập, thậm chí, con người còn được tự do lựa chọn phương pháp học của mình. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển với nhịp độ cao, con người có thể làm chủ được quá trình học của mình. Ngoài việc được giáo dục ở những cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, con người có điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tự giáo dục. Tri thức trong thời kỳ hiện đại là một kho tàng mở, tài sản chung của cả nhân loại. Trong thời kỳ khoa học công nghệ thông tin mở và xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, tri thức được chia sẻ nhanh chóng và rộng rãi, tạo cơ hội cho con người có khả năng tự giáo dục rất tốt. Có thể nói rằng chính sự tiến bộ của dân chủ đã tạo cơ hội cho con người được làm chủ quá trình giáo dục của chính mình, qua đó có thể phát huy ý chí tự lực tự cường trong việc chinh phục kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng vĩ đại nhưng đầy khó khăn phải biết phát huy nhân tố con người, đặc biệt là sức mạnh của cá nhân. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa, đó là người có lòng nồng nàn yêu nước, trong sáng về đạo đức, xuất sắc về tài năng, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Cần phải phát huy tiềm năng của nhân tố con người nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho khối đại đoàn kết dân tộc để giải quyết những nhiệm vụ cách mạng; phải có biện pháp phát huy nhân tố con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng, Chính phủ hoạch định chính sách phục vụ lợi ích của dân tộc, tự do, ấm no hạnh phúc của nhân dân, bao quát các vấn đề của đời sống xã hội, nhất là an sinh xã hội, đồng thời thi hành hệ thống chính sách xã hội hướng tới con người, giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân và lợi ích tập thể, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Vận động, tuyên truyền, giáo dục để hình thành những động cơ, mục đích đúng đắn cho con người thông qua những phong trào cách mạng, đặc biệt là giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, người chủ tương lai của đất nước.

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin, một xã hội dân chủ, văn minh, là một xã hội có ý thức tự giác cao trong việc tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần, đồng thời tạo ra phương thức tiên tiến để thụ hưởng những thành quả của xã hội ấy. Để có một xã một xã hội tiến bộ, giáo dục và đào tạo phải là lĩnh vực tiên phong. Để có một nền giáo dục phát triển bền vững thì mỗi cá nhân cần phát huy ý chí tự lực, tự cường, cần tự ý thức được trách nhiệm học tập nâng cao hiểu biết của mình để góp phần tạo ra một xã hội có dân trí cao. Như vậy mỗi cá nhân khi ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với nền giáo dục, bằng quyền tự do của mình, mỗi người sẽ tích cực tham gia vào việc học tập và xây dựng nền giáo dục tốt hơn. Quyền được hưởng thụ những giá trị từ nền giáo dục tốt hơn chính là mục đích và động lực thúc đẩy ý thức xây dựng nền giáo dục của mỗi cá nhân trong xã hội. Bên cạnh đó, với một nền giáo dục tiên tiến, sẽ thúc đẩy con người cần phải tự giáo dục để có thể hưởng thụ và làm chủ nền giáo dục đó.

Khi chúng ta có một nền giáo dục tiên tiến, trên cơ sở nỗ lực của mỗi cá nhân trong xã hội, thì việc sáng tạo, tiếp thu khoa học công nghệ sẽ được xuất phát từ nội lực bên trong của mỗi con người. Quá trình này sẽ không còn bị gò ép, không chịu áp lực của việc theo đuổi, chạy đua với thế giới. Một xã hội có một nền giáo dục tự chủ, mỗi người đề có ý thức tự giác cao, sẽ là nền tảng để xây dựng một xã hội pháp quyền, là cơ sở cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Chúng ta có thể tin chắc rằng, sự tự do của mỗi cá nhân, ý chí tự lực tự cường và khối đại đoàn kết dân tộc sẽ là động lực to lớn thực hiện khát vọng đưa đất nước ta vượt lên khó khăn để vươn tới sự phồn vinh, hạnh phúc.

2.     Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Chủ tich Hồ Chí Minh, một tấm gương tự học điển hình (ảnh st)

Tự học là hoạt động có mục đích của con người, là điều cần thiết trong quá trình tiếp  nhận tri thức. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt  quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người

Trong lý lịch tự khai tại Đảng Cộng sản Pháp cũng như tại một số đại hội, hội nghị của Quốc  tế Cộng sản, Bác thường khiêm tốn ghi ở phần trình độ học vấn là: Tự  học. Hay trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế  họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “Về  văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông : 17 tuổi tôi  mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần  đầu”. Nhưng chúng ta ai cũng biết, Người có một trình độ học vấn  rộng lớn, uyên bác mà cả thế giới phải khâm phục và thừa nhận. Nhà  nghiên cứu Vasiliep đã viết trong tác phẩm “Về cách mạng Việt Nam và  Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Uỷ ban KHXH, 1990): “Hiếm có chính khách nào của  thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm  hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”…Đây hoàn toàn không  phải là sự suy tôn thái quá mà qua các tài liệu lịch sử cho thấy, Người  đã miệt mài học tập cả cuộc đời, nói đúng hơn là không ngừng tự học.  Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm (ngày 9 tháng 12 năm  1961), Hồ Chủ tịch đã tâm sự : “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Và với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu sau : “ Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.

 Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác cũng chính là cuộc đời tự học bền bỉ.  Làm cách mạng bằng tự học và tự học để làm cách mạng, hai việc này luôn tương hỗ cho nhau. Với những tác phẩm đồ sộ và phong phú mà Người để  lại cho chúng ta, ngoài giá trị lớn lao nhiều mặt của nó, còn là một  bằng chứng sống về tấm gương tự học suốt đời của một nhà yêu nước vĩ  đại, nhà văn hoá tài ba. Chúng ta ngạc nhiên và khâm phục trước khối  lượng và kiến thức vừa phong phú vừa uyên thâm của Bác, không chỉ trên  các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế… Nếu không có vốn kiến thức  phong phú và sâu sắc tích luỹ bằng con đường tự học thì làm sao Người  để lại cho dân tộc và nhân loại những tác phẩm bất hủ ấy.

Khi tìm hiểu về phương pháp đọc của Bác Hồ, bài học đầu tiên mà chúng ta  cần phải chú ý đến là : Muốn trở thành người hiểu biết phải đọc cho  rộng và khi đọc phải có ghi chép và phân loại ngay các thông tin từ  sách báo. Bác có một phương pháp tự học rất đáng chú ý và là kinh  nghiệm quý báu cho chúng ta hiện nay. Chỉ nói riêng việc học ngoại ngữ và  học viết báo của Bác là đủ rõ. Ra đi tìm đường cứu nước, vừa bước chân  xuống tàu, anh Ba đã tranh thủ học tiếng Pháp ở mọi lúc, mọi nơi có  thể, mỗi ngày học mấy từ thật chắc, ngày nào cũng như ngày nào, để đến  khi sang Pháp, và sau đó , viết báo và viết truyện ngắn bằng tiếng Pháp.

Trong bài cách viết, Người đã kể lại việc học viết của mình: Nhờ sự giúp đỡ của một đồng chí làm trong tờ báo “Sinh hoạt công  dân”, Bác đã tự học cách viết báo. Ban đầu chỉ viết 3 dòng, 5 dòng, sau  đấy viết 10 dòng rồi một cột rưỡi. Đến đây, đồng chí lại bảo viết rút  ngắn lại. Bác lại tập rút ngắn lại cho đền khi chỉ còn 10 dòng. Tập đi  tập lại nhiều lần như vậy, Bác viết được báo. Lúc viết được báo rồi,  Bác lại có ý định thử viết truyện ngắn và Bác viết được truyện ngắn  bằng tiếng Pháp. Bác đã tự rút kinh nghiệm trong việc học viết của  mình: “Viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ dấu dốt, nhờ tự  phê bình và phê bình mà tiến bộ, quyết tâm thì việc gì, khó mấy cũng  làm được”. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa  Mác-Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân  loại, đặc biệt là văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây. Người biết  và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một  trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn  bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước  thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới.     

Từ kinh nghiệm cuộc  đời tự học của mình nên Bác rất quan tâm đến giáo dục, Người thường  nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau  là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người chỉ rõ cho chúng ta thấy mối quan hệ biện chứng giữa giáo dục với cách mạng; giữa giáo dục  với sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước. Người khẳng  định: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi  người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình,  phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước  nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.

Muốn cho dân giàu nước mạnh thì dân trí phải cao, phải đa dạng hoá các loại  hình đào tạo, mở trường vừa học vừa làm để tạo điều kiện cho người lao  động, cán bộ chiến sỹ được đi học. Bác đã chỉ cho chúng ta con đường  đưa đất nước thoát khỏi cảnh yếu hèn, đó là con đường phát triển giáo  dục. Bác nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bác kêu gọi mọi  người thi đua học tập để đưa dân tộc ta thành một dân tộc “thông thái”.


Cả dân tộc đoàn kết xóa nạn mù chữ (Phong trào Bình dân học vụ năm 1945) (ảnh st)

           Ngày nay, khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, do đó  xã hội cũng liên tục biến đổi. Cách đây không lâu nhiều người vẫn nói:  cứ khoảng 7 năm, vốn kiến thức của nhân loại lại tăng gấp đôi, nhưng  bây giờ, “7 năm” đã trở nên lạc hậu và phải thay bằng “18 tháng”. Trong  khi đó thì thời gian học không tăng, điều đó đòi hỏi mọi người cần phải  liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những  biến đổi của xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu. Mặt khác, con người luôn  ý thức về tương lai, chú trọng năng lực suy nghĩ, năng lực lý giải cho  tương lai mình. Để có được những năng lực ấy, con người phải học tập  không ngừng, học tập liên tục, học tập suốt đời thông qua nhiều hình  thức, nhưng tự học là điều rất quan trọng.

3.  Vận dụng việc tự giáo dục vào việc dạy và học tại Bộ môn Lý luận Chính trị, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên

 


Bộ môn Lý luận Chính trị, trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (ảnh TL)

Thấm nhuần Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng ứng cuộc vận động và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên luôn nêu cao tinh thần tự học. Trong những năm gần đây, phong trào tự học của sinh viên, cán bộ và giảng viên của trường được diễn ra sôi nổi và tích cực, thể hiện qua việc hoàn thành “đề án ngoại ngữ quốc gia 2020”. Để hoàn thành đề án ngoại ngữ, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên của trường đã phát huy tinh thần tự giác, trước hết là việc tự đăng ký vào các trung tâm đào tạo. Bên cạnh đó một tinh thần đáng khen ngợi hơn cả, đó là ngoài những việc học tập tại trung tâm, các bạn sinh viên và cả các thày cô giáo đều có ý thức tự học rất cao. Các thày cô giáo học ngoại ngữ tại nhà, tranh thủ từng khoảng thơi gian ít ỏi để tự học tiếng Anh. Người biết nhiêu dạy cho người biết ít, người biết dạy cho người chưa biết. Về phía các bạn sinh viên, để học ngoại ngữ tốt hơn, các bạn đã tập hợp lại thành từng nhóm, học mọi lúc, mọi nơi. Sau gần 4 năm triển khai đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020, Nhà trường đã cơ bản đạt mục tiêu của đề án đối với giảng viên trước 5 năm so với kế hoạch của Nhà nước. Chỉ sau hơn 1 năm triển khai đề án đối với sinh viên, đến thời điểm này đã có 2494 sinh viên đạt Toefl-ITP từ 390 trở lên trong đó có 452 sinh viên đã đạt Toefl-ITP từ 450 trở lên, một con số rất đáng khâm phục. Kết quả mà các bạn sinh đạt được phần nhiều là do tự học theo tinh thần Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng từ năm 1945, các bạn sinh viên hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà trường về tài chính như đối với các thầy cô giáo. Có thể nói trong những năm vừa qua phong trào tự học của cán bộ, giáo viên và sinh viên tại trường sôi nổi hơn bao giờ hết.

Không đứng ngoài phong trào tự học của toàn trường, cán bộ giáo viên tại Bộ môn Lý luận Chính trị cũng hăng hái, cần cù và kiên trì với việc tự học ngoại ngữ. Bên cạnh việc tự học ngoại ngữ, về chuyên môn, các thày cô giáo trong bộ môn luôn tự ý thức nâng cao trình độ để theo kịp với yêu cầu của nhà trường và xu hướng phát triển chung của nền giáo dục quốc gia. Hiện tại đã có hơn 4 cán bộ tham gia học lên trình độ tiến sĩ, và 100% giảng viên đã và đang hoàn thành trình độ thạc sĩ. Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn tại các cơ sở đào tạo, các thày cô giáo trong bộ môn luôn chủ động tự đào tạo mình để hoàn thiện hơn kỹ năng sư phạm, nâng cao dộ dày kiến thức khoa học để vững vàng trong chuyên môn và nghiệp vụ. Trước đòi hỏi của thực tiễn, các thày cô giáo trong bộ môn luôn trăn trở để tự làm mới bản thân, làm mới bài giảng để nâng cao chất lượng của giờ học. Không chỉ, tự giáo dục làm mới mình, cán bộ giáo viên của Bộ môn còn là người truyền cảm hứng và trao đổi kinh nghiệm tự học cho sinh viên. Việc giao bài tập và quản lý chương trình học qua hệ thống E – Learning đã có tác dụng rất tốt cho việc tự học và tự nghiên cứu của sinh viên.

Có thể nói rằng, việc thực hành dân chủ qua việc tự học của cán bộ, giảng viên và sinh viên của Bộ môn là một việc hết sức đúng đắn và phù hợp với quy luật khách quan. Chỉ có tự học mới thể hiện được ý thức, trách nhiệm với việc dạy và học, chỉ có tự học mới có thể làm chủ được tri thức cũng như quá trình truyền đạt và tiếp thu tri thức.

Trong một báo cáo toàn cầu về giáo dục, UNESCO đã đưa ra mục tiêu của việc học dành cho mỗi người: học để hiểu biết, học để làm việc, học để làm người và học để chung sống (trong bối cảnh loài người sống chung). Chúng ta cũng có thể có một cách hiểu, một cách diễn đạt khác về mục tiêu của sự học dành cho mỗi cá nhân, đó là: học làm người, học làm việc và học làm dân. Bên cạnh mục tiêu về sự học của cá nhân, chúng ta cũng đã được biết mục tiêu về giáo dục của quốc gia được thừa nhận rộng rãi trên khắp thế giới, đó là: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Sẽ mất rất nhiều năm để có thể tạo ra một cuộc cách mạng về giáo dục. Nhưng một cuộc cách mạng về việc học của mỗi người có thể diễn ra một cách rất nhanh chóng, chỉ bằng sự chủ động và quyết tâm của chính bản thân mình.

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức, GS.TS.NGND. Trần Văn Bính, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2010

2.  Hồ Chí Minh - Sự hình thành một nhân cách lớn, Trần Thái Bình, Nxb Trẻ, 2004

3.  Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, tr. 375.

4.  Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 6, tr. 515.

5.  Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 10, tr. 599.

6.  V.I.Lênin toàn tập, Nxb CTQG,H, 2000, tập 32 tr 515-516

7.  V.I.Lênin toàn tập, Nxb CTQG,H, 2000,  tập 38 tr 414

Tin mới hơn

Tin cũ hơn