Bức ảnh 19 năm về trước nhắc lại một chặng đường tham gia thi Olympic Cơ học toàn quốc của trường ĐHKTCN

PGS.TS Vũ Quý Đạc

Phó Bí thư Đảng ủy

Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT CN Thái Nguyên

 

       Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập trường và đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động vừa qua, tôi rất vinh dự được Ban chủ nhiệm Khoa Cơ khí mời tham gia trong “Ban tiếp khách của Khoa”, vì tôi gắn bó với công tác ở Khoa tương đối lâu năm. Trong phòng khánh tiết của khoa tại A10 T1 từ 8h sáng 5/12 không khí đã tấp nập, tiếng bắt tay đôm đốp chào hỏi, cười nói râm ran, thậm chí tôi chứng kiến có người suýt bị ngã do bị bạn bạn kéo ngã bất ngờ, hậu quả của những “Kiểu bắt tay do lâu ngày gặp lại”. Có nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện diễn ra trong chốc lát, nếu bình thường không thể nghĩ ra được như câu chuyện dưới đây:

Trong phòng khách tự nhiên có tiếng hô to:

- Trường Đại học KTCNVB…(Đại học..Kỹ thuật ..Chăn nuôi vịt bầu…) lên nhận giải! Đây là tiếng hô bắt chước của một cựu SV K22M ngày đó trong đội tuyển SV thi Olymbyc Cơ học toàn quốc tháng 5/1991 của trường. Anh là sinh viên trong đoàn đi dự lễ trao giải tại Bộ GD&ĐT (năm ấy tôi là trưởng khoa Cơ khí, cùng đi với đoàn). Tôi tiền lại gần đám đông xúm lại đang nhìn một bức ảnh đã đen trắng cũ trên ban nô ảnh truyền thống,  nhưng còn rất rõ nét mặt từng người, thầy Lê Lương Tài, thầy Nguyễn Hoàng Nghị, thày Nguyễn Văn Tuấn cùng với mấy sinh viên được giải: Đỗ Khắc Đức, Trần Công Nghiệp, Ngô Như Khoa, Cao Xuân Tuyển, Nguyễn Mạnh Hà..nét mặt rất tươi, dáng vẻ tự hào. Tôi chợt hồi tưởng lại kỷ niệm gần 20 năm trước đây; hình ảnh những lần đưa đoàn đi thi, những buổi họp phát động triển khai tổ chức cuộc thi, rồi những trang Sổ vàng của khoa Cơ khí ghi tên của những sinh viên được giải và cả tên của các cô tham gia giảng dạy bổi dưỡng cho đội tuyển năm ấy.  Danh sách các tập thể, cá nhân, các thầy, cô là “Mạnh Thường Quân” ủng hộ kinh phí cho hoạt động này cứ dài mãi. Rồi hình ảnh những buổi tối chứng kiến nhiều thầy cô tham gia luyện thi buổi tối ở khu giảng dường A6, A7..A9, những ngày tháng chạp, ngoài trời gió may cào thổi ào ào, buốt thấu tận ruột gan, chị em trực giảng đường đứng ngoài hiên rét run chờ đóng cửa, đã hết giờ mà các thầy chẳng chịu về; như thầy Trịnh Quang Vinh, Trần Văn Lầm, Hoàng Thắng Lợi, Nguyễn Hoàng Nghị, Nguyễn Văn Tuấn, cô Nguyễn Thị Hồng Cẩm, Nguyến Thị Quốc Dung, hình ảnh hai hàng “cờ đuôi nheo” dài cỡ 8m trong văn phòng bộ môn Kỹ thuật Cơ khí ghi nhận thành tích thi Olympic của khoa trong 19 năm qua cứ hiện lên như thôi thúc tôi cầm bút viết bài này.

        Như chúng ta được biết phong trào thi Olymbic các môn  Cơ học do Hội Cơ học Việt Nam tổ chức chính thức bắt đầu từ năm 1989, người đề xuất tổ chức cuộc thi hàng năm này là cố GS.TSKH.VS Nguyễn Văn Đạo, cựu chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam. Mục đích của cuộc thi là tạo ra một sân chơi trí tuệ nhằm kích thích lòng say mê học tập của sinh viên ngay từ khi bước vào giảng đường đại học, bắt đầu học các môn khoa học cơ sở: Cơ học lý thuyết, Sức bền Vật liêu, Nguyên lý máy, Chi tiết máy, Cơ học chất lỏng, Cơ học kết cấu, Cơ học đất, tạo ra phong trào học tập ngay từ những năm đầu. Mục đích cao cả hơn là hoàn thành sứ mạng: Đào tạo những tài năng cơ học trẻ và đội ngũ giáo viên giảng dạy có chất lượng cao cho các nhà trường đại học. Trường đại học Kỹ thuật Công nghiệp của chúng ta rất vinh dự là trường tham gia cuộc thi này khá sớm (1991); ngay từ năm đầu ra quân đi thi, đội tuyển Olympic trường ta ngày đó mang tên là đội tuyển trường Đại học Kỹ thuật Công Nghiệp Việt Băc, nghe có vẻ lạ lắm, đến mức người làm MC, không luận ra tên trường qua mấy chữ viết tắt, thế mà lại có giải. Năm đó sinh viên Đỗ Khắc Đức K22M đạt giải ba môn Cơ học lý thuyết, nay là giảng viên trường ta và trường Đại học Tây Úc mới được phong Giáo sư tháng 10/2010. Ngoài giảng dạy cho trường ta, thầy còn tham gia giảng dạy cho 2 trường đại học danh tiếng khác ở Singapore và Australia. Trải qua 19 lần thi hàng năm, năm nào các đội tuyển của chúng ta cũng được giải; khoảng 10 năm lại đây kết quả nhiều  năm khá ấn tượng. Nếu tính từ cuộc thi năm 2000 đến 2008 khi xét giải đồng đội xếp loại dao động từ thứ nhất đến thứ sáu (riêng năm 2005 đạt giải nhất). Từ năm 2009 -2010 xuống dốc nếu xếp loại chắc ở tốp trung bình trong số 25 trường tham dự. Chúng tôi cùng với một số thầy lãnh đạo Nhà trường và Hội Cơ học tỉnh Thái Nguyên, được giao phụ trách công tác này giật mình, không khỏi lo lắng đến trách nhiệm, trăn trở  tìm nguyên nhân khắc phục, khi vì mùa thi năm nay sắp đến gần (thi vào ngày 25/4/2011) tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Bởi lẽ phong trào này ngoài mang lại cho trường ta màu cờ sắc áo với thiên hạ còn góp phần rất quan trọng vào quá trình đào tạo giảng viên cho Nhà trường. Điểm lại số giảng viên trường ta đặc biệt là giảng viên của khoa Cơ khí, khoảng 60% giáo viên trẻ hiện nay là được xuất thân từ cái Nôi Olympic Cơ học Toàn quốc, trong đó nhiều thày, cô thành đạt về mặt khoa học, là chủ lực của các bộ môn, nhiều thày cô đã thành GS, PGS, TS, đang giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong Nhà trường, ĐHTN, cơ quan, doanh nghiệp. Nhìn lại kết quả trong những năm qua, tôi chợt nhớ lại câu nói của cố GS.TSKH.VS Nguyễn Văn Đạo trong một buổi lễ trao giải: Nếu xét về hiệu quả đầu tư cho sự phát triển con người thì đầu tư cho việc tổ chức một phong trào như thi Olympic Cơ học là đầu tư vừa mang tính nhân văn và rất hiệu quả. Chúng ta làm công tác Giáo dục và Đào tạo càng thấy rõ ý nghĩa to lớn của phong trào này.

       Phát huy truyền thống và kinh nghiệm 19 năm tổ chức các cuộc thi; lại có thêm sự cộng hưởng những niềm vui, niềm tự hào mang đến từ lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trường 6/12/2010 và đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động, tôi tin tưởng rằng  chúng ta sẽ tổ chức tốt cuộc thi năm nay- cuộc thi lần thứ 20

       Các bạn sinh viên thân mến! lợi ích mang lại cho các em khi tham gia thi Olympic Cơ học lớn lắm! các em sẽ được học theo hình thức Đào tạo tín chỉ triệt để; việc học theo nhóm được đặt ra ngay trong từng tiết giảng của thầy. Người học có thể ra, tự ra bài tập cho nhau để giải, thậm chí có bài các bạn ra đề  “Thầy toát mồ hôi” nếu không chuẩn bị kỹ.

         Về nội dung thi, theo chủ trương của Hội cơ học Việt Nam, từ năm nay sẽ đưa ứng dụng tin học để giải bài tập, thí điểm cho 3 môn: Cơ học Lý thuyết, Nguyên lý máy và chi tiết máy.

        Để tiếp tục đưa công tác bồi dưỡng thi Olymbic trở lại đúng vị thế như những lợi ích mà nó mang lại, Đảng ủy và Ban Giám hiệu đã rất quan tâm, có những chỉ đạo rất cụ thể thể ngay từ  trong Nghị quyết công tác quý 1/2011 của BCH Đảng ủy. Rất mong các khoa,  bộ môn chủ động phối hợp với Hội Cơ học tỉnh Thái Nguyên tổ chức tốt cuộc thi năm nay.

Hy vọng Đội tuyển Olymbic trường ta lại lấy lại được phong độ!

Tin mới hơn

Tin cũ hơn